Mỹ điều chỉnh quy định cho phép du học sinh ở lại

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sắp tới sẽ có một số điều chỉnh về quy định cấp thị thực cho du học sinh nhằm tạo điều kiện cho họ tiếp tục ở lại học.

Ngày 7-7, cổng thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho đăng tải thông cáo nêu rõ Bộ An ninh Nội địa nước này đang lên kế hoạch sửa đổi tạm thời các yêu cầu đối với thị thực F-1 và M-1 cho học kỳ mùa thu 2020, nhằm tạo điều kiện cho các du học sinh được tiếp tục ở lại theo học.

F1, M1 là thị thực dành cho du học sinh học các khóa học toàn thời gian hoặc dài hạn ở Mỹ.

Tuy không nêu rõ những sửa đổi trên là gì, thông cáo khẳng định chúng giúp cho sinh viên quốc tế linh hoạt hơn khi kết hợp giữa việc học trực tuyến và học trực tiếp mà vẫn đảm bảo thực hiện các yêu cầu về giãn cách xã hội tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ.

Sinh viên đi lại trong khuôn viên ĐH Princeton thuộc bang New Jersey (Ảnh chụp vào tháng 11-2019). Ảnh: AP

Sinh viên đi lại trong khuôn viên ĐH Princeton thuộc bang New Jersey (Ảnh chụp vào tháng 11-2019). Ảnh: AP

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các học sinh-sinh viên quốc tế vẫn phải đảm bảo gia hạn, đăng ký thị thực phù hợp cũng như sẵn sàng chấp nhận những hạn chế về thị thực hoặc hạn chế đi lại khác trong trường hợp COVID-19 diễn biến xấu.

Thông cáo cũng lưu ý du học sinh nên liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ tại nước mình để nắm thêm thông tin.

Trước đó hôm ngày 6-7, Cơ quan Hải quan và di trú Mỹ (ICE) bất ngờ thông báo những du học sinh nào có thị thực F-1 và M-1 sẽ bị trục xuất nếu chương trình đang theo học chỉ dạy trực tuyến trong học kỳ bắt đầu từ mùa thu năm nay.

Theo đài CNN, học kỳ mùa thu ở Mỹ thường bắt đầu từ cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 và kết thúc vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm sau.

CNN cũng cho biết hiện Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có lượng du học sinh học tại Mỹ đông đảo nhất, lần lượt là 370.000 và 204.000. Theo sau là Hàn Quốc (52.000), Saudi Arabia (37.000), Canada (25.000). Việt Nam xếp thứ sáu với 24.000 sinh viên, nhiều hơn Đài Loan, Nhật, Brazil và Mexico.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/my-dieu-chinh-quy-dinh-cho-phep-du-hoc-sinh-o-lai-922998.html