Mỹ đi sau Nga trong cuộc đua chế tạo 'siêu vũ khí'

Trong khi quân đội Nga vừa thực hiện thành công thêm một vụ phóng thử tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon, thì Mỹ vẫn còn loay hoay với các chương trình phát triển khí tài này.

Tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền. Ảnh: AP

Tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền. Ảnh: AP

Theo thông báo hôm 19-7 của Bộ Quốc phòng Nga, tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov đã phóng thử tên lửa Zircon từ Biển Trắng, nhắm vào mục tiêu giả định cách xa hơn 350km, với vận tốc gần Mach 7 (hơn 8.600km/h, gấp 7 lần tốc độ âm thanh). Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Zircon có thể đạt vận tốc lên tới Mach 9 và tầm bắn 1.000km. Nhận định về Zircon, một chuyên gia quân sự viết: “Tên lửa này nhanh tới mức áp suất không khí phía trước nó hình thành một đám mây plasma, hấp thụ sóng vô tuyến và giúp vũ khí trên thực tế vô hình trước hệ thống radar đang hoạt động”.

Trước đây, Hải quân Nga đã thực hiện nhiều vụ phóng thử tên lửa Zircon và quá trình thử nghiệm sẽ hoàn tất trong năm nay. Thứ trưởng Quốc phòng Alexey Krivoruchko hồi tháng 1 cho biết Nga có thể sản xuất hàng loạt tên lửa Zircon cho hải quân vào năm 2022. Mát-xcơ-va dự định sẽ trang bị Zircon cho các tuần dương hạm, tàu khu trục và tàu ngầm, mặc dù tên lửa này cũng có thể được phóng từ mặt đất. Zircon là một trong nhiều tên lửa siêu vượt âm mà Mát-xcơ-va đang phát triển.

Hiện tại, Nga đã đưa vào biên chế ít nhất 2 dòng tên lửa siêu vượt âm gồm Avangard phóng từ mặt đất, có thể mang đầu đạn hạt nhân và bay nhanh hơn tốc độ âm thanh tới 20 lần và Kinzhal phóng từ máy bay. Đầu năm 2018, ông Putin từng “khoe” rằng tên lửa hành trình siêu vượt âm Kinzhal có thể đạt vận tốc Mach 10 và tầm bắn 2.000km. Tháng rồi, Nga đã tiến hành tập trận quân sự với sự tham gia của hai tiêm kích MiG-31 được trang bị Kinzhal ở Địa Trung Hải. Chủ nhân Điện Kremlin tiết lộ tên lửa siêu vượt âm nằm trong số vũ khí Nga thuộc thế hệ mới có thể tấn công gần như mọi nơi trên thế giới và tránh được lá chắn tên lửa do Mỹ phát triển.

Mỹ lạc hậu so với Nga

Phản ứng sau vụ Nga thử Zircon hôm 19-7, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng tên lửa siêu vượt âm này “tiềm tàng khả năng gây bất ổn và rủi ro đáng kể do chúng là hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”. Theo ông Kirby, trái ngược với Nga, Mỹ đang phát triển năng lực tấn công siêu vượt âm phi hạt nhân. Thật ra, Mỹ đang thực hiện ít nhất 8 chương trình chế tạo tên lửa tấn công siêu vượt âm riêng biệt, nhưng vẫn chưa đưa vào sản xuất hoặc trang bị bất cứ mẫu vũ khí nào.

Do vậy, báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) về vũ khí siêu vượt âm đã nhận xét rằng Lầu Năm Góc cần quan tâm nhiều hơn tới chương trình tên lửa siêu vượt âm trước việc Nga đã đưa loại khí tài vào chiến đấu. Báo cáo cũng chỉ ra Nga đã có khả năng triển khai các phương tiện bay siêu vượt âm trong thực tế và chúng hoàn toàn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, các chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ không được thiết kế để triển khai vũ khí hạt nhân và cũng không có nguyên mẫu nào trong trạng thái hoạt động.

Tài liệu của CRS lưu ý rằng ngân sách quân sự hiện tại của Mỹ mỗi năm chi khoảng 3,2 tỉ USD cho việc phát triển vũ khí siêu vượt âm, con số này sẽ tăng thêm 600 triệu USD trong năm tài chính 2022. Trong đó, sẽ có khoảng 247 triệu USD được dùng cho phát triển các hệ thống phòng thủ vũ khí siêu vượt âm. Nhưng cho đến nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa thể thông qua bất cứ chương trình vũ khí siêu vượt âm nào cũng như dự định sẽ mua bao nhiêu hệ thống.

Trong số các vũ khí siêu vượt âm mà Mỹ đang phát triển, chỉ mỗi Thiết bị lượn siêu vượt âm thế hệ mới (CHGB) là có đủ khả năng hoạt động nhất, thậm chí Lầu Năm Góc tuyên bố họ dự kiến sẽ bắt đầu trang bị đơn vị CHGB đầu tiên vào tháng 9 tới. Dù vậy, CRS nhấn mạnh Lầu Năm Góc khó có thể đưa một hệ thống vũ khí siêu vượt âm vào hoạt động trước năm 2023.

Các hệ thống đánh chặn hiện nay của Mỹ chẳng hạn như Aegis thường mất khoảng 8-10 giây chuẩn bị để bắn hạ một tên lửa đang bay đến. Tuy nhiên, với 8-10 giây thì tên lửa Zircon có thể bay được tới 20km. Do vậy, để đánh chặn vũ khí siêu nhanh này, Mỹ cần có những công nghệ hiện đại. Theo đó, Washington đang phát triển Thiết bị đánh chặn thế hệ kế tiếp và nhiều khả năng sẽ triển khai cả hệ thống phòng thủ tên lửa ngoài vũ trụ để ngăn chặn các tên lửa siêu vượt âm từ Nga và Trung Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Eurasian Times)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-di-sau-nga-trong-cuoc-dua-che-tao-sieu-vu-khi--a135737.html