'Mỵ' đi làm du lịch

Mới đây, tác phẩm 'Mỵ' của biên đạo múa Tuyết Minh đã 'rinh' được 2 giải thưởng lớn: Chương trình nghệ thuật ấn tượng và Biên đạo múa xuất sắc nhất tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018. Tuy nhiên, sứ mệnh của 'Mỵ' sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

Sau khi gặt hái nhiều giải thưởng, “Mỵ” sẽ được đưa vào Nhà hát Lớn để làm du lịch.

“Mâm cỗ” 3 tỷ đồng

Đêm công diễn vở nhạc kịch “Mỵ” tại Nhà hát thành phố, tỉnh Cao Bằng trong khuôn khổ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 đã khiến khán giả “đứng ngồi không yên”. Được chuyển thể từ “Vợ chồng A Phủ”- một tác phẩm văn học tưởng như đã quá quen thuộc nhưng lại được “hồi sinh” mới mẻ, sáng tạo qua ngôn ngữ múa, “Mỵ” không khai thác quá sâu nỗi đau, bi kịch của nữ nhân vật chính. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa Mông đã được khắc họa sinh động. Những cảnh hút thuốc phiện, tra tấn được cách điệu bằng nghệ thuật múa đương đại, bằng ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt chứ không bị nặng nề, đau khổ quá.

Sân khấu được bày biện bởi các dụng cụ thường ngày quen thuộc với đồng bào Mông như: chảo thắng cố, dao thớt, cối giã gạo, ống bương nước, đàn môi, khèn lá, sáo pí thiu, khèn Mông, mõ trâu, trống… và kỳ diệu thay, những âm thanh phát ra từ chúng đều được đưa vào âm nhạc rất “ngọt”, trở thành những giai điệu, thanh âm khó trộn lẫn của núi rừng Tây Bắc. Phần thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella, dùng các dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi để tạo nhạc… thể hiện nhịp sống sôi động tại phiên chợ vùng cao đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Một số ca khúc mới từ các nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn, cái hay là đều được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa.

Không chỉ ấn tượng với sắp đặt sân khấu mà “Mỵ” còn ghi điểm với trang phục đẹp, đặc sắc, gần với hoa văn thổ cẩm nhưng không quá nặng nề để diễn viên có thể chuyển động linh hoạt trên sân khấu. Để có được điều này, NTK Hoàng Tùng đã phải in hoa văn của người Mông, tỉ mẩn vẽ tay, in ra vải và thiết kế trang phục cho toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở diễn.

Đam mê múa và luôn khao khát được làm những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nên cách đây 2 năm, biên đạo Tuyết Minh đã ấp ủ ý tưởng viết kịch bản chuyển thể từ các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. “Tôi muốn thông qua “Mỵ” để giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa Mông, đưa không gian văn hóa Mông đến với nghệ thuật đương đại. Không phải bằng nhạc điện tử sẵn có, mà là nhạc sống từ chính con người, đồ vật nơi ấy. Xu hướng nghệ thuật đương đại đang muốn quay về với bản sắc, gần gũi với tự nhiên, nên ngay từ đầu tôi đã định hướng tác phẩm của mình phải có hoạt cảnh, có sự bày biện, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn múa và nhân vật xuyên suốt” - Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình. Đó cũng là lý do giúp “Mỵ” nhận được giải Chương trình ấn tượng, bởi đó không phải là một sản phẩm độc lập tách biệt giữa múa, hát, kịch… mà là sự tổng hòa, một “mâm cỗ” nghệ thuật với sự kết hợp nhiều món ăn hấp dẫn trên sân khấu.

Nghệ sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh.

Được đầu tư 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa nhưng “Mỵ” không cần “đánh bóng” bằng những gương mặt “ngôi sao”, mà hoàn toàn là công sức sáng tạo của dàn diễn viên múa thuộc Nhà hát dân gian Việt Bắc. Để mang được linh hồn, hơi thở, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vào vở diễn, nghệ sĩ Tuyết Minh cùng các cộng sự đã lang thang suốt mấy tháng trời lên núi tìm các nghệ nhân người Mông, thuyết phục và mời họ về dạy các làn điệu dân gian cho diễn viên, nghệ sĩ. “Đây thực sự là một thách thức bởi các nghệ sĩ vốn đã quen học thuật theo nốt, giai điệu bài bản thì nay phải tự thổi khèn lá, sáo… theo ngẫu hứng, tâm trạng, cảm xúc. Mất 2 tháng học từ nghệ nhân và gần 3 tháng để phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, “Mỵ” mới thực sự thành hình”- nữ biên đạo múa nhớ lại những giai đoạn khó khăn.

Mang hơi thở Mông vào Nhà hát lớn

“Mục đích cuối cùng của chúng tôi không chỉ là giải thưởng, mà là công diễn, bán được vé và có khán giả” - Tuyết Minh tự tin khẳng định. Ngay từ khi được Bộ VH-TT&DL đặt hàng và phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc dựng vở để tham dự Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, chị và ê-kíp đã nghĩ đến “đầu ra”. Theo đó, vở diễn sẽ được đưa vào Nhà hát Lớn bán vé, hướng đến phục vụ chủ yếu là khách du lịch nước ngoài.

Công ty truyền thông Nam Hưng - cũng chính là “bà đỡ” của dự án sẽ quảng bá, đưa vở diễn đến gần với công chúng, đồng thời kết nối với các tour du lịch. Thời lượng vở diễn sẽ được cắt gọt xuống còn 30 phút, bởi theo nghệ sĩ Tuyết Minh, với khách quốc tế, cách thức để dễ tiếp nhận nhất là bằng ngôn ngữ múa và âm nhạc nên việc hát quá nhiều sẽ làm giảm đi sự tiếp nhận. Một tuần, ê-kip dự kiến biểu diễn 3 buổi, trong đó có một buổi công diễn toàn bộ 75 phút. Lịch trình biểu diễn sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8/2018 và sang năm 2019 sẽ có lịch diễn cố định.

“Tôi không hề mơ mộng viển vông bởi chúng ta có một Nhà hát Lớn với lịch sử hàng trăm năm. Sẽ rất thú vị với tour tham quan Nhà hát Lớn dành cho khách du lịch, sau đó thưởng thức vở diễn để hiểu hơn về văn hóa Việt. Nếu nhìn ra thế giới và khu vực, những nhà hát danh tiếng như nhà hát Opera de Paris hay Bolshoi ở Nga cũng tự sản xuất các chương trình và đóng khung trong lòng khán giả bởi những vở diễn kinh điển. Chắc chắn chương trình của chúng tôi sẽ không chạy theo lợi nhuận để thu hút khách du lịch mà vẫn phải đảm bảo hướng đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao vì Nhà hát Lớn không phải là một địa điểm có thể đùa được, thích làm gì thì làm. Đó là nơi lưu giữ những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực”- Tuyết Minh chia sẻ.

Chị cũng vui vẻ bật mí cuối năm nay sẽ bắt tay vào chuyển thể “Truyện Kiều”, để Kiều cũng đi làm du lịch như Mỵ.

Thanh Hương thực hiện

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/my-di-lam-du-lich-1312052.tpo