Mỹ đi đúng hướng dự báo chuyên gia Nga

Ngoại trưởng Mỹ đã chỉ quan ngại về Nord Stream-2 chứ không công bố bất cứ biện pháp trừng phạt nào nữa.

Phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên đến trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố mối quan ngại từ phía Mỹ liên quan đến dự án Nord Stream-2 của Nga nối đến bờ biển Đức.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) hôm 23/3. Ảnh: DW

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) hôm 23/3. Ảnh: DW

Ông Blinken nói rằng, dự án này "đi ngược lại lợi ích của Liên minh châu Âu và có thể làm suy yếu Ukraine".

Phát biểu trong cuộc gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng dự án này là một "ý tưởng tồi", không chỉ với EU mà còn cả với Mỹ, cũng như đi ngược lại các mục tiêu an ninh riêng của EU.

"“Tổng thống Biden đã có quan điểm rất rõ ràng, ông ấy tin rằng đường ống này là một ý tưởng tồi, có hại cho châu Âu, không tốt cho Mỹ, cuối cùng nó đi ngược lại với các mục tiêu an ninh của chính EU” - Ngoại trưởng Blinken nói khi gặp Tổng Thư ký NATO.

Theo ông, dự án này cũng ảnh hưởng đến lợi ích của Ukraine, Ba Lan, một số đối tác và đồng minh thân cận trong khu vực. Ngoại trưởng Blinken tuyên bố sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Đức Heiko Maas để thảo luận về vấn đề.

Mỹ từ lâu chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống. Mỹ cũng đang tìm cách bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến sang châu Âu, trong đó có một số quốc gia như Ba Lan, Latvia và Litva. Cho đến nay, Đức vẫn phản đối việc ngừng dự án.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken trong cuộc họp với các đồng minh NATO không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với TASS về việc Mỹ chuẩn bị trừng phạt dự án Nord Stream-2, các chuyên gia Nga cho rằng, về bản chất, Mỹ không thể tìm kiếm một lệnh trừng phạt nào nữa đối với Nga và châu Âu liên quan đến dự án này.

Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Konstantin Simonov tin rằng, Mỹ gần như đã cạn kiệt nguồn lực để dừng việc xây dựng Nord Stream-2.

"Các quyết định duy nhất còn lại là những quyết định trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn của các mối quan hệ, không chỉ với Nga, mà với Đức và một số quốc gia châu Âu khác.

Ví dụ, Mỹ yêu cầu từ chối mua khí đốt của Nga. Yêu cầu này sẽ đúng trong trường hợp người châu Âu bị đóng băng vì lạnh và không có điện. Đây là điều không hề phóng đại bởi năng lượng châu Âu đã phụ thuộc vào Nga lâu rồi và một kịch bản từ chối mua khí đốt của Nga là điều không thể" - ông nói.

Trong khi đó, Phó Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Lĩnh vực Năng lượng tại Viện Nghiên cứu Độc quyền Tự nhiên (IPEM) Evgeny Rudakov cũng có chung quan điểm này.

"Cho đến gần đây, những tranh luận về sự cần thiết của Nord Stream-2 đối với sự ổn định của nguồn cung cấp từ Nga sang Châu Âu đã bị phản đối bởi cuộc thảo luận về việc dư thừa công suất truyền dẫn khí đốt hiện có. Mùa đông năm ngoái cho thấy Nord Stream-2 cần thiết cho Châu Âu không chỉ ở trong dài hạn mà ngay cả trong ngắn hạn" - ông Rudakov nói.

Theo ông, mức dự trữ khí đốt trung bình trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở châu Âu đã giảm xuống 33,6% vào ngày 18/3 so với mức 56,5% vào tháng 3/2020. Và nguồn cung khí đốt trực tiếp từ Nga đến thẳng Đức là điều vô cùng cấp thiết cho châu Âu hiện nay.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 mang đến lợi ích cho chính châu Âu.

Giám đốc cấp cao tại Fitch Dmitry Marinchenko tin rằng, số phận của Nord Stream-2 phần lớn phụ thuộc vào quan điểm của phía Đức. Miễn là sau này, Berlin “tiếp tục ủng hộ dự án một cách nhất quán" thì cơ hội để hoàn thành đường ống vẫn còn khá tốt.

Thực tế là cho đến nay, các nhà quan sát cho biết, dự án đường ống Nord Stream-2 hiện đã hoàn thành được 95% và có khả năng hoàn tất vào tháng 9 tới.

Ngoại trưởng của 30 quốc gia NATO có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên tại Brussels trong hai ngày 23-24/3 với sự tham dự của đại diện chính quyền mới của Mỹ - Ngoại trưởng Antony Blinken.

Như Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo hôm 22/3 rằng, chủ đề chính của hội nghị sẽ là thảo luận về việc tái cấu trúc liên minh trong khuôn khổ khái niệm NATO-2030 để giúp tổ chức này đối mặt với những thách thức trong tương lai, cũng như thảo luận về vấn đề rút quân khỏi Afghanistan và quan hệ với Nga.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-di-dung-huong-du-bao-chuyen-gia-nga-3429495/