Mỹ để ngỏ gỡ trừng phạt để ngồi lại với Iran

Washington sẽ tính đến các điều kiện mà Iran đưa ra bao gồm cả gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt để ngồi lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/2 tuyên bố những tín hiệu mới nhất về khả năng gỡ bỏ trừng phạt Iran để tiến tới đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân đã bị phá bỏ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

“Con đường ngoại giao đang rộng mở ngay lập tức. Iran vẫn còn một khoảng cách xa để tuân thủ với thỏa thuận. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải xem nó có tác dụng gì” - ông Blinken phát biểu trên đài National Public Radio.

Ông Blinken cho rằng, nếu không có thỏa thuận hạt nhân thì Iran "đang tiến gần hơn đến khả năng sản xuất vật liệu phân hạch để sản xuất vũ khí" và nếu duy trì thỏa thuận này thì Iran sẽ chậm tiến đến mốc đó hơn.

Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập đến khả năng Mỹ sẽ chấp thuận đàm phán về các điều kiện mà Iran đặc biệt quan tâm bao gồm gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh nền kinh tế nước này gặp khó khăn.

"Có lẽ, Iran vẫn có động lực để đạt được những gì họ đã mặc cả trong thỏa thuận: đó là một số biện pháp trừng phạt được giảm nhẹ dựa trên tình hình nền kinh tế của nước này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng vẫn còn lợi ích của cả hai bên... để đạt được thỏa thuận" - ông Blinken nói.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ động thái nào để nối lại ngoại giao trực tiếp hay không, Ngoại trưởng Blinken chỉ ra lập trường công khai của Tổng thống Joe Biden rằng, nếu Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Mỹ cũng sẽ làm như vậy.

“Tổng thống đã công khai rất rõ ràng, lặp đi lặp lại, về vị trí của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ xem phản ứng của Iran về điều đó, nếu có” - ông nói.

Về câu hỏi liệu thể có một cuộc gặp trực tiếp ở đâu đó trong tương lai, Ngoại trưởng Blinken cũng thừa nhận “có lẽ tại một số thời điểm, nếu có bất kỳ sự can dự nào về vấn đề này, điều đó sẽ phải cần đến ngoại giao. Đó là những gì chúng tôi đang làm”.

Ông Biden trước đây từng nói Mỹ sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), khi Tehran trở lại tuân thủ hoàn toàn hiệp ước. Ông từng bác bỏ khả năng dỡ bỏ trừng phạt Iran để khởi động lại tiến trình đàm phán, khẳng định Tehran cần ngừng làm giàu uranium trước.

Trong khi đó, quan điểm của Iran là Mỹ đã rời bỏ JCPOA vào năm 2018 nên Washington cần thực hiện những động thái đầu tiên, như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà cựu tổng thống Donald Trump áp đặt. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói Washington mới là bên cần tái gia nhập hiệp ước bởi Tehran chưa bao giờ rời đi.

Vài ngày sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Biden đã nói về sự sẵn sàng tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trước đó, ông Joe Biden cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi tháng 9: "Tôi sẽ cung cấp cho Tehran một con đường đáng tin cậy để trở lại đàm phán ngoại giao. Nếu Iran quay trở lại tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ tái tham gia thỏa thuận này như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo".

Kể từ năm 2019, Iran đã đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các giới hạn mà thỏa thuận đặt ra. Trước những nỗ lực dự kiến nhằm tái thiết thỏa thuận, Ngoại trưởng Iran cảnh báo rằng, Tehran sẽ không chấp nhận những thay đổi đối với các điều khoản của thỏa thuận năm 2015.

Tehran đã công bố về việc vi phạm các giới hạn chính của thỏa thuận, làm giàu uranium lên 20% - trên mức giới hạn 3,67% nhưng dưới mức 90% cần thiết cho vũ khí - mở rộng kho dự trữ uranium làm giàu thấp và sử dụng máy ly tâm tiên tiến để làm giàu.

Iran đã nói với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc rằng họ sẽ cắt giảm hợp tác với họ trong một tuần, nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn đang bóp nghẹt nền kinh tế của nước này.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-de-ngo-go-trung-phat-de-ngoi-lai-voi-iran-3427706/