Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty Đức vì tham gia Dòng chảy phương Bắc 2

Trong cuộc trò chuyện với Focus, Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức Richard Grenell đã nhắc tới các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt đối với các công ty Đức tham gia dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty Đức vì ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2

Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty Đức vì ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2

Ông Richard Grenell nhấn mạnh: “Theo quan điểm của Mỹ, đường ống này không chỉ vận chuyển khí đốt, mang ý nghĩa địa chính trị. Nó đe dọa tăng nguy cơ bị trừng phạt”. Theo nhà ngoại giao Mỹ, do việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt này, các nước châu Âu khiến mình phải phụ thuộc vào Nga.

Trước đó, ngày 13/1, tờ Bild của Đức đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư cho một loạt công ty Đức, trong đó bóng gió đề cập tới khả năng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty của Đức ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong bức thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell có đoạn viết: "Như các bạn đã biết, Hoa Kỳ cực lực phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2... Đường ống dẫn khí đốt này gây ra hậu quả địa chính trị nghiêm trọng cho các đồng minh và đối tác châu Âu của Mỹ. Mối quan ngại của chúng tôi đã được chia sẻ rộng rãi. Các nước thành viên Đông Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng với nhiều chính phủ các nước Tây Âu và Canada đều phản đối dự án này. Các đối tác này có chung mối quan ngại sâu sắc về hành vi gây hấn ngày càng gia tăng của Nga, nhất là việc Moscow lợi dụng tài nguyên năng lượng làm đòn bẩy chính trị và kinh tế".

Bình luận về mối đe dọa trong bức thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grennel với các công ty Đức tham gia dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi hành động của ông Richard Grennel là một phần trong chương trình lớn chống Nga lâu dài.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/my-de-doa-trung-phat-cac-cong-ty-duc-vi-tham-gia-dong-chay-phuong-bac-2-post298401.info