Mỹ đe dọa đồng minh vì mua S-400

Mỹ kiên quyết áp dụng mọi biện pháp nhằm ngăn chặn vũ khí Nga phổ biến trên toàn thế giới, trước mắt là hệ thống phòng không S-400.

Mỹ một lần nữa tuyên bố về việc sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn không từ bỏ ý định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Hệ thống phòng thủ S-400 hiện đại của Nga.

“Chúng tôi đã tuyên bố rõ rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định mua S-400, họ sẽ lãnh hậu quả. Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ đạo luật CAATSA (đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt)”, trợ lý Ngoại trưởng châu Âu và Á-Âu Uess Mitchell tuyên bố trước Thượng viện.

Không đơn giản chỉ là các biện pháp trừng phạt về kinh tế, người Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp khác. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tăng cường khả năng phòng không của mình mà họ còn muốn răng cường khả năng chiến đấu của lực lượng không quân nước này nhằm thực hiện các nhiệm vụ của họ ở Syria và Iraq. Vì vậy Ankara rất muốn mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Mitchell nói rằng, vì lý do an ninh quốc gia, Mỹ có thể hủy bỏ thỏa thuận này. Ông tiết lộ rằng, có hai máy bay F-35 đã được chuẩn bị cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc huấn luyện cho phi công sẽ được thực hiện trên lãnh thổ Mỹ và chắc chắn sẽ không sớm bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trước năm 2019.

Ông Erdogan đang muốn tăng cường khả năng của quân đội trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, đặc biệt là xuất hiện nhiều mối đe dọa mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ vừa muốn mua S-400 và cũng muốn sở hữu F-35. Trong trường hợp Mỹ từ chối cung cấp F-35, nhiều khả năng họ sẽ chuyển sang mua Su-57 của Nga.

Hiện tại các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Nga được sử dụng rộng rãi trên thế giới, bao gồm cả các nước đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á và các nước thuộc liên minh BRICS.

Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ cũng đang bị Mỹ gây sức ép về việc nước này muốn mua S-400 của Nga. Theo một số nguồn tin ngày 6/7 tới Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sithamaran sẽ đến Washington và S-400 sẽ trở thành một vấn đề hội đàm sắp tới.

Tuy nhiên tờ The Economic Times cho rằng, trong cuộc hội đàm sắp tới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis sẽ đề nghị cung cấp cho Ấn Độ hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD của Mỹ thay vì S-400 của Nga. So với hệ thống của Mỹ, S-400 của Nga có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không đa dạng hơn, đặc biệt chúng có thể tiêu diệt F-25, F-35 của Mỹ.

Ngoài ra, một nước khác cũng rất muốn sở hữu hệ thống С-400 của Nga đó là Qatar. Động thái này của Qatar đã khiến Mỹ tức giận. Đầu tháng 6 vừa qua Ả Rập Xê Út tiếp tục đe dọa sẽ đáp trả thích đáng nước này nếu họ mua S-400 của Nga. Nhớ lại rằng, khoảng một năm trước Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Qatar vì nước này có ý định theo Iran.

Tất cả những động thái này của Mỹ cho thấy rằng, họ đang rất lo sợ vũ khí Nga phổ biến trên thế giới và ngành công nghiệp quốc phòng của Nga vượt qua Mỹ. Ngoài việc đe dọa các nước muốn mua vũ khí Nga, Mỹ còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty quốc phòng của Nga, đặc biệt là công ty Rosoboronexport.

Người Mỹ đang cố gắng tìm mọi cách để ngăn chặn Nga. Sau khi áp đặt và đe dọa các đối tác của Nga, người Mỹ đề nghị một giải pháp mới thay thế các hợp đồng với Nga bằng hợp đồng của Mỹ. Dường như, họ đang “ép buộc” các nước khác, đặc biệt là đồng minh của họ phải mua vũ khí của họ và hợp tác lâu dài với họ.

Nguyễn Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-de-doa-dong-minh-vi-mua-s-400-3360900/