Mỹ dè chừng cả Trung Quốc và Nga trong cuộc đua tên lửa và hạt nhân

Báo cáo phòng thủ tên lửa của Mỹ sắp tới không chỉ tập trung vào các mối đe dọa về tên lửa hành trình hay đạn đạo mà còn cả công nghệ siêu âm mới nhất.

Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách David Joel Trachtenberg cho biết, Báo cáo Phòng thủ tên lửa (MDR) mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành sẽ nghiên cứu về các mối đe dọa từ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, hay các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa, và cả các công nghệ siêu âm (siêu thanh) mới nhất hiện nay.

Mỹ đang phải dè chừng cả Trung Quốc và Nga trong cuộc đua tên lửa và hạt nhân. Ảnh minh họa: Sputnik.

Ông cho biết, Báo cáo phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện vẫn đang trong quá trình thực hiện và vẫn chưa hoàn thành. Bản MDR này được tiến hành trên phạm vi rộng hơn để có thể đánh giá về các công nghệ quốc phòng đang phát triển và mới nổi khác.

“Chúng tôi đang xem xét một loạt mối đe dọa chứ không chỉ là các mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Nó sẽ bao gồm cả nguy cơ từ tên lửa hành trình, hay các công nghệ siêu âm mới”, ông nói.

Theo tờ The Hill, MDR dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới. Bản báo cáo có thể sẽ đề xuất ngân sách 2019 tương tự như những gì mà Lầu Năm Góc đã đưa ra trước đó là chi 12,9 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa và dành riêng 3,9 tỷ USD cho Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tụt một bước so với Trung Quốc?

Những tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiết lộ kế hoạch về một "máy bay ném bom hạng nặng cực siêu âm" có thể tiếp cận thành phố New York trong 2 giờ bằng cách di chuyển với tốc độ “chưa từng thấy”.

Theo một số thông tin, chiếc máy bay tương lai này có khả năng di chuyển nhanh đến mức có thể vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa, làm gia tăng mối lo ngại loại công nghệ này có thể khơi mào Thế chiến thứ 3.

Các máy bay hiện tại mất khoảng 14 giờ để đi từ Bắc Kinh của Trung Quốc đến thành phố New York của Mỹ. Chiếc máy bay này nếu thành công có thể dễ dàng vượt qua tốc độ siêu thanh là 343 m/s, và chỉ mất 2 giờ để đi tới đích tương tự.

Năm ngoái, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ thông báo rằng họ đã có những tiến bộ ban đầu trên chiếc máy bay trinh sát cực siêu thanh SR-72. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này dường như đưa Trung Quốc đi trước trong cuộc chạy đua tốc độ giữa Bắc Kinh và Mỹ.

Nguy cơ đối đầu với Nga

Bên cạnh Báo cáo về phòng thủ tên lửa, đầu tháng 2/2018, Mỹ cũng đã công bố báo cáo hạt nhân (NPR) trong đó đề cập tới những mối đe dọa đáng kể cả từ Nga và Trung Quốc.

Điều này khác biệt khá lớn so với bản báo cáo hạt nhân trước đó được tiến hành năm 2010 dưới thời Tổng thống Barack Obama với nhận định rằng, nguy cơ đối đầu hạt nhân với Nga và Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Ông David thừa nhận, NPR 2018 của chính quyền Tổng thống Donald Trump được công bố đầu tháng 2 vừa qua và đã có cái nhìn bi quan hơn về mối đe dọa chiến tranh giữa các nước lớn trên thế giới.

“NPR 2018 đưa ra những kết luận dựa trên đánh giá thực tế về môi trường chiến lược hiện nay. Kể từ khi NPR lần trước được tiến hành và công bố năm 2010, một môi trường hạt nhân đã thay đổi và có nhiều thách thách thức hơn”, ông nói./.

Thùy Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/my-de-chung-ca-trung-quoc-va-nga-trong-cuoc-dua-ten-lua-va-hat-nhan-733812.vov