'Mỹ đang thúc đẩy kịch bản Cách mạng màu ở Thổ Nhĩ Kỳ?'

Theo giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đang thúc đẩy âm mưu phế bỏ chính quyền của ông Recep Tayip Erdogan, dựng lên chính quyền mới ủng hộ Ukraine.

Mỹ muốn lật đổ chính quyền của ông Erdogan?

Mới đây, ấn phẩm Haber7 của Thổ Nhĩ Kỳ có bài bình luận cho biết, Hoa Kỳ hy vọng sẽ chia rẽ quan hệ thân mật giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách thúc đẩy sự thành công của phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử và dựng lên một “Zelensky (ám chỉ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky) mới”.

Chuyên gia phân tích chính trị, đại tá đã nghỉ hưu Eray Guchluer cho rằng, với sự giúp đỡ của cái gọi là “Liên minh Đối lập bảy bên”, Hoa Kỳ hy vọng sẽ tạo ra sự đụng độ lợi ích giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng loạt lĩnh vực và khu vực: Ukraine, Syria, Biển Đen và Trung Á...

Theo ông Eray Guchluer, chính quyền Washington có thể sử dụng bất kỳ biện pháp nào để đạt được mục đích của mình và không loại trừ việc sẽ có các hành động khiêu khích, nhằm thay đổi chế độ ở Ankara, dựng lên một chính quyền sẵn sàng tuân theo chỉ đạo của Mỹ.

Ấn phẩm lưu ý rằng, nhà lãnh đạo của liên minh đối lập bảy bên là ông Kemal Kılıcdaroglu đã tổ chức các cuộc gặp với người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ là Đại sứ Jeffrey Flake, theo đề xuất của chính ông này.

Điều đó gây ra phản ứng gay gắt từ Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từ chối liên lạc riêng với đại sứ Mỹ tại Ankara.

Vị chuyên gia này nói với các phóng viên nói với giới truyền thông rằng, trong giai đoạn tới, Hoa Kỳ dự định sẽ giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vai trò của Ukraine và Zelensky, thông qua việc thúc đẩy liên minh đối lập ở nước này giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới và lên nắm quyền ở Ankara.

Thật không may, liên minh đối lập Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ trong lĩnh vực này. Điều này cũng được thể hiện qua những tuyên bố của giới lãnh đạo các đảng đối lập.

Kemal Kılıcdaroglu, ứng cử viên cho chức tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ bảy đảng đối lập đã lên tiếng ủng hộ Ukraine trong chuyến thăm Mỹ và ám chỉ rằng, nếu các đảng đối lập thành công, chính quyền Ankara sẽ đứng về phía chính quyền của ông Zelensky.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016

Mối quan hệ sóng gió Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Được biết, từ khi lên nắm quyền vào tháng 8/2014, ông Recep Tayyip Erdogan đã thực thi một chính sách đối ngoại được coi là có tính độc lập, quan hệ khá mật thiết với Nga và không tuân theo định hướng của Mỹ nên không làm vừa lòng giới chức lãnh đạo Nhà Trắng.

Ông Erdogan đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Washington từ lâu đã nuôi dưỡng những phần tử phản động Thổ Nhĩ Kỳ và ấp ủ âm mưu lật đổ chính quyền của ông để dựng lên một chính phủ thân phương Tây và ngoan ngoãn nghe theo những chỉ đạo từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Ông cũng chỉ rõ, Mỹ chính là kẻ đứng sau hậu thuẫn cho cuộc đảo chính bất thành của một số sĩ quan quân đội thuộc tổ chức chính trị do Giáo sĩ lưu vong (ở Mỹ) Fethullah Gulen lãnh đạo hồi tháng 7/2016.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ phải dẫn độ Giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến từ phía Ankara, nhưng Washington từ chối dẫn độ, với lý do thiếu bằng chứng cho thấy vị giáo sĩ này đứng đằng sau vụ đảo chính nhằm lật đổ chính quyền của ông Erdogan.

Từ đó đến nay, ông Erdogan đã thanh trừng hàng trăm nghìn quan chức quân đội và dân sự, bị cáo buộc là thành viên thuộc tổ chức đối lập của giáo sĩ Gulen, được cho là có quan điểm thân Mỹ.

Không dừng lại ở đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường giám sát động thái của lực lượng Mỹ ở căn cứ không quân Incirlik, thậm chí có lần đã phong tỏa tạm thời hoạt động của căn cứ này, nhiều lần bóng gió đe dọa số phận của khoảng 90 quả bom hạt nhân Mỹ đang cất trữ ở đây.

Bên cạnh đó, nước này gia tăng hợp tác về chính trị, kinh tế và quân sự với “đối thủ truyền kiếp của Mỹ” là Nga, dần cải thiện quan hệ với một đối thủ lớn khác của Mỹ là Syria và ra sức tiêu diệt đồng minh lớn nhất của Mỹ ở Syria là các nhóm vũ trang người Kurd Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, những cáo buộc về việc chính quyền Washington đang ngấm ngầm thúc đẩy một cuộc cách mạng màu, thông qua tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ là điều hoàn toàn có cơ sở.

Nếu thành công, Mỹ sẽ loại bỏ được một chính quyền “cứng đầu”, đồng thời một có thêm một nước ủng hộ Ukraine và một quân bài nặng ký trong cuộc chiến chống Nga.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-dang-thuc-day-kich-ban-cach-mang-mau-o-tho-nhi-ky-post633662.html