Mỹ đang thắng Trung Quốc ở những 'mặt trận' nào trong chiến tranh thương mại?

Đã 1 năm kể từ khi Mỹ tuyên chiến với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, đã đến lúc nhìn lại cán cân sức mạnh của cả hai bên.

Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong cuộc chiến xung quanh vấn đề thương mại. Ở góc độ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sôi sục với những chính sách thuế quan và đưa Huawei Technologies vào danh sách đen. Ở một nơi khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nói đến việc Bắc Kinh sẽ trả đũa.

Khi mà các biện pháp đối đầu thuế quan đã được áp dụng được 1 năm, đã đến lúc nhìn lại mọi chuyện đang diễn ra như thế nào:

Cán cân thương mại: Mỹ thắng Trung Quốc

Đối với Tổng thống Trump, chỉ có một thước đo cho thấy việc liệu Mỹ đang chiến thắng hay thất bại trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc: cán cân thương mại hai chiều. Số liệu công bố cho thấy ông ấy vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn giảm được thâm hụt thương mại, thế nhưng thâm hụt thương mại với Trung Quốc thực tế đã giảm đi trong những tháng gần đây.

Dù các chuyên gia kinh tế tranh cãi về việc ai đáng được ghi công cho thay đổi gần đây và liệu cán cân thương mại có phải thước đo quan trọng hay không, chênh lệch thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc trong tháng 3/2019 thấp nhất trong 3 năm.

Tác động từ thuế nhập khẩu:Mỹ thua Trung Quốc

Nhiều chuyên gia chỉ trích rằng các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tiêu dùng mà người Mỹ chi tiêu tăng lên, thế nhưng cho đến nay điều đó chưa xảy ra. Tuy nhiên, dấu hiệu lạm phát do chiến tranh thương mại đang lớn dần trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 4/2019, giá cả tiêu dùng tại Mỹ mới tăng 1,6%.

Đối với Trung Quốc, thuế cao hơn với hàng nhập khẩu Mỹ không tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc bởi nhiều trong số đó là sản phẩm đầu vào của ngành công nghiệp chứ không phải hàng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, nhóm 7 mặt hàng mà Trung Quốc đánh thuế cao với Mỹ đều là hàng tiêu dùng bao gồm đậu tương, vàng, đồng thải, giấy thải, khí đốt, khí hóa lỏng, bông và propan. Người Mỹ rõ ràng chịu nhiều tác động của thuế nhập khẩu mà Trung Quốc áp với hàng hóa của họ hơn.

Niềm tin tiêu Quốc: Mỹ hòa Trung Quốc

Dù chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ hồi phục trong tháng 4/2019, thị trường lao động có nhiều việc làm, mức lương tăng lên, doanh số bán lẻ phục hồi lần thứ 2 trong 3 tháng. Trong tháng vừa qua, câu chuyện tương tự diễn ra tại Trung Quốc, doanh số bán lẻ tăng trưởng chững lại nhiều hơn so với kỳ vọng. Giờ đây, người Mỹ nhìn chung không quá bi quan về triển vọng ngay cả khi có chiến tranh thương mại, thế nhưng điều này có thể thay đổi nếu Tổng thống Trump thực sự áp thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Tiền tệ: Mỹ hòa Trung Quốc

Đồng nhân dân tệ đã suy yếu 7,5% so với đồng USD trong năm qua. Nhờ vậy các nhà xuất khẩu Trung Quốc có được một “tấm khiên” bảo vệ quan trọng trước các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump, có thể đồng nhân dân tệ còn suy yếu hơn nữa. Giờ đây, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ để cho đồng nhân dân tệ suy yếu đến mức độ nào nữa cho đến khi nó tạo ra áp lực khiến nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi Trung Quốc và khiến cho chính phủ Trung Quốc phải tiêu tốn vào dự trữ ngoại tệ. Đồng nhân dân tệ yếu sẽ tạo ra cả yếu tố tích cực và tiêu cực, kết quả Trung Quốc hòa Mỹ.

Chứng khoán: Mỹ thắng Trung Quốc

Thị trường chứng khoán hai nước trong năm ngoái đều giảm sâu nhất trong 1 thập kỷ, thế nhưng thị trường Trung Quốc giảm điểm tồi tệ hơn. Mức giảm của thị trường Trung Quốc lên đến 25%, cao gấp 4 lần mức giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Gần đây, tâm lý tích cực trên các thị trường đã trở lại, thế nhưng người ta hoài nghi điều này sẽ kéo dài được bao lâu khi mà các cuộc đàm phán thương mại đang bế tắc. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, chứng khoán Trung Quốc giảm 14% trong khi chứng khoán Mỹ tăng 6%.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/my-dang-thang-trung-quoc-o-nhung-mat-tran-nao-trong-chien-tranh-thuong-mai-3507945.html