Mỹ đang khoét sâu chia cách đồng minh EU?

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry lại cảnh báo có thể trừng phạt Nord Stream-2.

Dự án Nord Stream-2 đã trở thành vấn đề gây chia rẽ không chỉ riêng đối với châu Âu mà còn là điều gây chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã tuyên bố, Washington không có ý định trừng phạt dự án Nord Stream-2 của Nga bởi người Đức sẽ sớm nhận thấy đây là một dự án chỉ mang lại bất lợi cho họ.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry

Tuy nhiên, hôm 9/11, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã tới Ba Lan để ký kết thỏa thuận thương mại chiến lược về năng lượng lại phát đi thông điệp cho rằng, dự án này vẫn có thể bị cản trở.

"Chúng tôi kêu gọi các đối tác từ bỏ dự án này" - Bộ trưởng Mỹ nói.

Ông Rick Perry cho rằng, Mỹ không thay đổi thái độ của mình đối với dự án Nord Stream-2.

"Về dự án Nord Stream-2 đã có tuyên bố rõ ràng của Tổng thống. Chúng tôi chống lại dự án này. Nó không phải là dự án thương mại về đa dạng hóa. Tổng thống vẫn có quyền áp đặt lệnh trừng phạt" — người đứng đầu Bộ Năng lượng Mỹ cho biết.

Bộ trưởng Perry nhấn mạnh, ông cảm ơn Ba Lan cùng một số quốc gia khác đã phản đối dự án Nord Stream-2, đồng thời nhận thức rõ về dự án này.

"Tôi muốn cảm ơn Ba Lan và nhiều quốc gia khác, thậm chí nhiều người dân Đức, những người hiểu rằng dự án Nord Stream-2 không phải là dự án kinh doanh. Đây là một trò chơi chính trị mang lại cho Nga ảnh hưởng đối với châu Âu" - Bộ trưởng Perry khẳng định.

Những tuyên bố mới nhất từ Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã thấy rõ được ý định ủng hộ sự bất hòa có sẵn của liên minh châu Âu liên quan đến dự án Nord Stream-2.

Châu Âu gắn kết vì Nord Stream-2 nhưng Mỹ quyết gây chia rẽ

Ba Lan là quốc gia phản đối mạnh mẽ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream-2 mang khí đốt của Nga đến châu Âu. Nước này xem đây là một công cụ chính trị của Moscow với các thành viên EU.

Trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã thống nhất ký kết một hợp đồng năng lượng mới, cho phép xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang Ba Lan.

Thỏa thuận được ký kết giữa công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan và công ty Cheniere Marketing International của Mỹ bao gồm việc cung cấp hàng năm 0,7 tỷ mét khối khí từ năm 2019 đến năm 2022, sau đó là 1,95 tỷ mét khối khí từ 2023 đến 2042.

Đây là hợp đồng dài hạn thứ hai được ký bởi PGNiG gần đây với một công ty Mỹ. Hai thỏa thuận tương tự khác dự kiến sẽ được ký kết sớm, Chủ tịch hội đồng quản trị khí đốt Ba Lan Piotr Wozniak đã thông báo tại buổi lễ ký.

Những thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh hợp đồng khí đốt giữa Gazprom của Nga và Ba Lan sẽ kết thúc vào năm 2022 mà không có khả năng tái tục do mâu thuẫn từ việc xây dựng dự án Nord Stream-2.

Để đa dạng hóa nguồn cung cấp, Ba Lan cũng nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Qatar.

Việc Mỹ ủng hộ Ba Lan nhằm ngăn cản dự án khí đốt giữa Nga và các quốc gia thành viên châu Âu khác khiến cho sự chia rẽ không chỉ trong khối EU mà còn khiến quan hệ đồng minh giũa Mỹ với các nước ủng hộ dự án Nord Stream-2 trở nên sâu sắc thêm.

Giới lãnh đạo châu Âu cho biết sẵn sàng ủng hộ dự án Nord Stream-2 bất chấp Mỹ có trừng phạt dự án đường ống này hay không.

Trong khi đó, giới đầu tư vào dự án vẫn nghi ngờ về khả năng tiếp tục rót vốn nếu dự án hứng chịu sự trừng phạt của Washington.

Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Á- Âu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Intesa, Giám đốc Quỹ Kiến thức Á- Âu Antonio Fallico cho biết sẽ tiếp tục việc đầu tư vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 nếu Mỹ không áp đặt trừng phạt.

Theo đó, ông Antonio Fallico cho rằng, dự án này dường như chắc chắn sẽ không bị xử phạt.

"Tất nhiên là chúng tôi quan tâm tới dự án này. Tôi chắc chắn rằng dự án này sẽ không bị trừng phạt và hy vọng rằng sẽ không có sự bất ngờ khó chịu nào. Sự quan tâm của chúng tôi là cụ thể, nhưng nó phụ thuộc vào việc các biện pháp trừng phạt được áp dụng hay không" - ông Fallico nói.

Ông Fallico đã từng nói trong cuộc phỏng vấn tờ Sputnik hồi tháng 2 rằng, Công ty Intesa Sanpaolo đã sẵn sàng tham gia tài trợ dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 bắc từ Nga chạy dưới lòng biển Baltic tới Đức.

Nhưng việc đầu tư vẫn bị phụ thuộc vào việc Mỹ có áp đặt các biện pháp trừng phạt dự án này hay không.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-dang-khoet-sau-chia-cach-dong-minh-eu-3368928/