Mỹ đang đối mặt với 'bi kịch' gì trước lễ nhậm chức Tổng thống?

Những chia rẽ trong nội bộ thời gian vừa qua, nhất là chia rẽ hậu bầu cử Tổng thống Mỹ đang làm dấy lên những đồn đoán về một bi kịch 'Liên Xô thứ hai' ở Mỹ.

Ngày 20/1/2021, tân Tổng thống Mỹ Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, tuy nhiên đến nay, nhiều người dân Mỹ lại đang cảm thấy “hoang mang” về nghi lễ này. Từ đầu tháng 1/2021, nhiều người ủng hộ Trump bắt đầu tổ chức biểu tình để bày tỏ phản đối kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Mặc dù, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng, ông không ủng hộ các hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình, tuy nhiên dường như tuyên bố này không có tác dụng và chỉ là “tuyên bố lấy lệ”.

 Hàng nghìn người dân Mỹ biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Nguồn: Sohu.

Hàng nghìn người dân Mỹ biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Nguồn: Sohu.

FBI đã cảnh báo các cơ quan cảnh sát Phong trào "boogaloo" chống chính phủ đã lên kế hoạch biểu tình ở tất cả 50 bang và nhiều khả năng sẽ có các cuộc biểu tình vũ trang bên ngoài tất cả 50 trụ sở chính quyền ở thủ phủ các tiểu bang của nước Mỹ bắt đầu từ 16/1 cho tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1.

Hiện nay, hàng nghìn “tín đồ Trump” đang đổ dồn về Washington để sẵn sàng làm “náo loạn” lễ nhậm chức của Biden. Hàng chục nghìn thành viên của lực lượng cảnh sát và binh sĩ Mỹ đã được điều động đến Washington để duy trì trật tự.

Theo báo cáo của Reuters, trung tâm thủ đô Washington D.C gần như vắng lặng khi các con phố gần Điện Capitol bị đóng cửa và các tiểu đoàn lính Vệ binh Quốc gia ngụy trang chốt chặn tại các vị trí trên khắp trung tâm thành phố. Một số nhân viên bảo vệ trật tự này mang theo một số vũ khí sát thương và sẽ sẵn sàng sử dụng chúng khi cần thiết.

Michigan, Virginia, Wisconsin, Pennsylvania và Washington nằm trong số hơn một chục bang đã kích hoạt Lực lượng Vệ binh Quốc gia nhằm tăng cường an ninh.

Ông Steve McCraw, Giám đốc cơ quan An toàn Công cộng Texas hôm 15/1 cho biết, thông tin tình báo cho thấy "những kẻ cực đoan bạo lực" có thể tìm cách lợi dụng các cuộc biểu tình vũ trang đã được lên kế hoạch ở thành phố Austin để "thực hiện các hành vi phạm tội". Tiểu bang Texas sẽ đóng cửa tòa nhà Quốc hội của họ trong suốt Ngày nhậm chức.

Ở Michigan, một hàng rào đã được dựng lên xung quanh tòa nhà Quốc hội ở thành phố Lansing, và binh lính được huy động từ khắp tiểu bang để tăng cường an ninh. Cơ quan lập pháp hủy các cuộc họp vào tuần tới, do quan ngại về các mối đe dọa có nguy cơ xảy ra.

Hỗn loạn tại Mỹ hiện nay chỉ là vẻ bề ngoài, theo phân tích của truyền thông trong và ngoài nước Mỹ, đằng sau sự hỗn loạn này là biểu hiện của sự chia rẽ nước Mỹ từ quan chức đến dân chúng. Trong vài thập kỷ qua, những mâu thuẫn tích tụ trong nước Mỹ rất khó hòa giải, những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump đã trở thành “chất xúc tác” làm bùng nổ những mâu thuẫn này..

Lấy Texas làm ví dụ, đây vốn là một bang có thu nhập cao và công nghệ phát triển nhanh chóng của Mỹ nhưng trong bối cảnh hỗn loạn như hiện nay, một số quan chức bang này đã công khai thể hiện ý tưởng độc lập của mình.

Dân biểu Biedman của bang gần đây thậm chí còn trực tiếp nói với giới truyền thông rằng, ông đang thúc đẩy việc tách khỏi Mỹ vì không hài lòng với kết quả của cuộc tổng tuyển cử, nói rằng "đây là một lựa chọn phù hợp."

An ninh được thắt chặt tại Thủ đô Washington từ ngày 16 – 20/1. Nguồn: Sohu.

Tuyên bố của ông Biedman có thể sẽ trở thành tiếng súng độc lập đầu tiên, một khi người đứng đầu bang Texas đưa ra lời kêu gọi tương tự, các bang khác như California chắc chắn sẽ làm theo.

Theo luật pháp Mỹ, mỗi tiểu bang có luật pháp và quyền lực quân sự riêng. Tuy nhiên trong luật pháp của chính phủ liên bang Mỹ có rất nhiều hạn chế tính độc lập của các tiểu bang từ trước, do vậy rất khó để thực sự hiện thực hóa điều đó trong hành động.

Nhưng nếu lợi ích khó dung hòa thì điều gì đến sẽ phải đến, nếu nước Mỹ tiếp tục chia rẽ như hiện nay thì một kịch bản “Liên Xô thứ hai” sẽ không phải là không có khả năng.

Trong trường hợp ông Biden giải quyết ổn thỏa tình trạng này thì cũng chỉ là ngắn hạn, do dưới “chất xúc tác” là ông Trump, những người ủng hộ Biden và những người ủng hộ Trump sẽ ngày càng khó dung hòa, đây là “bàn đạp” để ông Trump tái tranh cử sau 4 năm nữa. Sự chia rẽ này sẽ là một thách thức lớn đối với Nhà Trắng trong thời gian tới đây và rất dễ tạo ra phản ứng dây chuyền.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/my-dang-doi-mat-voi-bi-kich-gi-truoc-le-nham-chuc-tong-thong-275273.html