Mỹ đang chờ câu trả lời, Nga sẵn sàng gia hạn START-3

Tạp chí Mỹ Arms Control Today đưa tin, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov thông báo Moscow sẵn sàng gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) với Washington.

Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov. Ảnh: RIA.

Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov. Ảnh: RIA.

Theo ông Antonov, Nga sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp “nội bộ” cần thiết ngay khi Washington đưa ra quyết định tương tự. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề Mỹ tham gia thỏa thuận vẫn còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, phía Mỹ muốn “sáp nhập” Trung Quốc vào Hiệp ước đó.

“Nếu như xuất hiện ý kiến như vậy thì phía Nga sẽ triển khai ngay không chậm trễ việc thực hiện những biện pháp nội bộ cần thiết trong nước”, ông Antonov cho biết.

Ông Antonov cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới phía Mỹ có thể xác định quan điểm về Hiệp ước, bởi vì thời gian tính đến khi văn kiện này hết hiệu lực ngày càng ít.

Đại sứ nhớ lại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12/2019 đã tuyên bố rõ ràng lập trường về thỏa thuận này. Ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) trước cuối năm nay, mà không hề kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Tổng thống Putin nhấn mạnh lập trường của Nga “không muốn dấy lên bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang, cũng như tiếp tục triển khai tên lửa tai các vị trí mới, đồng thời sẵn sàng gia hạn START-3, sớm nhất có thể, ngay trước thời điểm cuối năm nay mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào”.

Trước đó được biết rằng Nga và Mỹ đồng thời đình chỉ hoạt động thanh tra theo khuôn khổ START-3 do đại dịch Covid-19. Ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ cho biết công tác thanh tra sẽ tạm dừng cho tới ngày 1/5.

Theo ông Daryl Kimball, Ủy ban tham vấn song phương Nga-Mỹ cũng hủy bỏ cuộc họp dự kiến diễn ra trong tháng 3 này do đại dịch Covid-19. Theo quy định của START-3, Mỹ và Nga sẽ tiến hành thanh tra lẫn nhau 18 lần mỗi năm ở các địa điểm như căn cứ đặt tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và căn cứ không quân.

Nhà ngoại giao Nga cũng đề cập đến tuyên bố của các nhà ngoại giao Mỹ rằng thỏa thuận có thể được gia hạn trong vài ngày, mặc dù, theo ông đây là một quá trình dài.

Ông Antonov lưu ý, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối các cuộc tham vấn do Nga đề xuất với sự tham gia của các luật sư từ cả hai phía về các khía cạnh pháp lý của việc gia hạn Hiệp ước là khó hiểu.

Ngoài ra, Đại sứ Nga cũng đề cập đến “nỗi ám ảnh” của Hoa Kỳ với ý tưởng về định dạng START-3 với ba bên liên quan đến Trung Quốc. Ông Antonov gọi đây là một trở ngại nghiêm trọng đối với sự phát triển của cuộc đối thoại chiến lược Nga - Mỹ, bao gồm từ quan điểm bảo tồn các hiệp ước hiện có và sự phát triển các hiệp định song phương.

“Chúng tôi tin rằng hợp tác với các nước thứ ba trong việc phát triển các thỏa thuận mới có thể có trong lĩnh vực này cần được sự đồng thuận nghiêm ngặt và không gây ra mối đe dọa đối với lợi ích an ninh hợp pháp của các bên. Bắc Kinh rõ ràng là đã từ chối ý tưởng tham gia vào các thỏa thuận ba bên để kiểm soát vũ khí hạt nhân”, ông Antonov tuyên bố.

Mới đây, hôm 9/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc gia hạn hiệp ước không nên chỉ có Nga, mà cần đưa cả Trung Quốc tham gia và cần bao gồm tất cả những mối đe dọa tiềm tàng từ các loại vũ khí mới thế hệ tiếp theo.

Trước đó, hôm 16/3, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán với chính quyền Nga. Những cuộc gặp gỡ này thảo luận về chủ đề kiểm soát vũ khí, bao gồm Hiệp ước START và sáng kiến của chúng tôi là đưa Trung Quốc tham gia”.

Ông Sullivan tin rằng phía Nga về nguyên tắc không phản đối sự tham gia của Trung Quốc trong việc này, song họ cho rằng Washington mới là bên cần thuyết phục Bắc Kinh tham gia đàm phán.

Ông Sullivan nhấn mạnh, Chiến lược an ninh của Mỹ nhận định việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong thời gian gần đây đang đặt ra thách thức đối với Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi đang tích cực thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào cuộc đàm phán này.

Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.

Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga hiện vượt trội so với Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng lo ngại.

Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/my-dang-cho-cau-tra-loi-nga-san-sang-gia-han-start3-post336865.info