Mỹ 'đan lưới' bủa vây Trung Quốc: [Bài 2] Tầm quan trọng của 'Tứ giác kim cương' và các chuỗi đảo

'Tứ giác kim cương' bao gồm Mỹ, Ấn, Nhật, Úc được coi là lớp lưới bên ngoài nhằm siết chặt Trung Quốc.

 Tàu sân bay USS Ronald Reagan (trái), tàu đổ bộ USS Boxer cùng các tàu chiến của Mỹ trong một lần hoạt động tại Biển Đông.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (trái), tàu đổ bộ USS Boxer cùng các tàu chiến của Mỹ trong một lần hoạt động tại Biển Đông.

Chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô.

Chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía Bắc của Philippines.

Chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía Đông của Philippines.

Chuỗi đảo thứ ba bắt đầu tại quần đảo Aleutian và kết thúc ở châu Đại Dương, mà phần quan trọng là vị trí quần đảo Hawaii.

“Tứ giác kim cương”

Do có vị trí chiến lược quan trọng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành một ưu tiên trong chiến lược an ninh và ngoại giao của Mỹ. 9 trong số 10 cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới nằm trong khu vực với 60% thương mại hàng hải toàn cầu và vận tải năng lượng đi qua cả Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, khu vực này càng được chú trọng. Ngay từ tháng 11/2017, chính quyền Trump đã đưa ra khái niệm rõ ràng về cái gọi là "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở".

Trên thực tế, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Trump chủ yếu bao gồm 3 khía cạnh: tăng cường chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc; củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với các đồng minh và không đồng minh; và thúc đẩy mạng lưới hợp tác.

Về mặt chuẩn bị đối đầu, chính quyền Trump tiếp tục đầu tư thêm lực lượng quân sự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có trong tay hơn 370.000 quân, 2.000 máy bay và hơn 200 tàu chiến (bằng khoảng 25% sức mạnh quân sự hiện có của Mỹ).

Mỹ dự kiến sẽ triển khai thêm hơn 100 máy bay chiến đấu, 10 tàu khu trục và một số lượng lớn tên lửa tầm trung trong thập kỷ tới.

Vào năm 2020, số lượng và quy mô các cuộc tập trận và hoạt động do thám của quân đội Mỹ ở Biển Đông đã tăng lên đáng kể. Điều này có thể dẫn đến khả năng xảy ra xung đột không thường xuyên và quy mô nhỏ giữa Trung Quốc và Mỹ cao hơn.

Về tăng cường hợp tác, Mỹ đang củng cố quan hệ chiến lược và quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam và Ấn Độ. Hoa Kỳ đặc biệt đang xuất khẩu vũ khí tiên tiến cho Ấn Độ và cũng được cho là cố gắng triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản.

Về thúc đẩy mạng lưới khu vực, chính quyền Trump chủ yếu cố gắng tạo ra một cơ chế hợp tác ba bên và đa phương, từ đó chuyển thành một liên minh bốn quốc gia. Năm 2017, đối thoại an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã được khởi động lại.

Nó đã được nâng cấp lên cấp Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 9/2019. Vào cuối năm 2020, bốn nước có thể sẽ tổ chức hội nghị ngoại trưởng và cũng có thể tiến hành các cuộc đàm phán an ninh.

Chuỗi đảo thứ nhất

Quân đội Trung Quốc bắt đầu đợt diễn tập gần eo biển Đài Loan cùng ngày Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach tới thăm hòn đảo.

Việc ông Krach thăm Đài Loan có thể gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã bị đẩy cao từ sau chuyến công du hòn đảo của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar hồi tháng 8/2020.

"Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc (PLA) đang tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự gần eo biển Đài Loan bắt đầu từ ngày 18/9/2020", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói với các phóng viên trong cuộc họp báo cùng ngày.

Trước chuyến thăm của ông Krach, Washington vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho hòn đảo nhưng rất thận trọng trong việc tiếp xúc chính thức.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan.

Bắc Kinh đã tổ chức ít nhất 11 cuộc diễn tập kể từ tháng 7/2020, trong đó có một số có nội dung bắn đạn thật, ở nhiều vùng biển khác nhau gồm biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như khu vực gần đảo Đài Loan.

Chuỗi đảo thứ hai

Các chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Esper đến Palau, một quần đảo Thái Bình Dương với chỉ 20.000 dân về phía đông nam của Philippines, và Guam nhấn mạnh tầm quan trọng của Chuỗi đảo thứ hai đối với lợi ích của Hoa Kỳ - và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đó.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 5/8/2020 tới các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, gia hạn một hiệp ước chung nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc

"Hôm nay, tôi đứng đây để xác nhận rằng Mỹ sẽ giúp các bạn bảo vệ chủ quyền, an ninh cũng như quyền được sống trong tự do và hòa bình", ông Pompeo nói sau khi gặp các nhà lãnh đạo của Liên bang Micronesia (FSM), quần đảo Marshall và Palau ở Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới Palau có ý nghĩa quan trọng bởi vị trí của nó ở Nam Thái Bình Dương.

“Gần đây, việc Trung Quốc mở rộng năng lực tấn công của đường không và tên lửa khiến các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản hay Philippines đều rơi vào tầm tấn công của họ. Trung Quốc cũng đã mở rộng các hoạt động hải quân ở vùng biển phía đông của Philippines.

Do đó, Washington cần tăng cường các căn cứ hỗ trợ. Đặc biệt, các căn cứ tại các đảo Hawaii, Guam, Palau đóng vai trò quan trọng là hậu cần an toàn từ châu Mỹ đến Philippines”, Tiến sĩ Nagao phân tích.

Dương Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tam-quan-trong-cua-tu-giac-kim-cuong-va-cac-chuoi-dao-d273580.html