Mỹ đã tìm ra vũ khí đối trọng với xe tăng T-14 Armata?

Thay vì tạo ra một loại vũ khí mới, hữu hình để làm đối trọng với dòng xe tăng thế hệ thứ 4 T-14 Armata của Nga, Mỹ đang tạo ra một công nghệ điều khiển hỏa lực mới tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) với tên gọi ATLAS. Hệ thống mới giúp đơn giản hóa thao tác của kíp điều khiển phương tiện chiến đấu; giảm thời gian phản ứng từ khi phát hiện ra mục tiêu tới khi khai hỏa tiêu diệt.

Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, ATLAS không chỉ đơn giản là hệ thống vũ khí, mà là cuộc cách mạng về công nghệ giúp sự tương tác giữa kíp điều khiển và phương tiện chiến đấu nhuần nhuyễn hơn để nâng cao hiệu quả tác chiến tổng thể.

Nguyên tắc tác chiến mới

Ở thời điểm hiện tại, quá trình phát triển phương tiện chiến đấu hạng nặng của các quốc gia trên thế giới đã có nhiều khác biệt so với thời Thế chiến 2. Nếu theo cách phát triển truyền thống, các phương tiện chiến đấu sẽ được tăng giáp, hỏa lực khả năng kết nối thông tin, nhưng với hướng phát triển hiện đại lại là tích hợp công nghệ AI. Chúng sẽ thay thế một phần và trong tương lai có thể là hoàn toàn vai trò của pháo thủ, nạp đạn và trở thành trợ lý cho người chỉ huy. Vai trò của người chỉ huy sẽ chỉ là ra lệnh khai hỏa vào mục tiêu với các tham số được máy móc tính toán sẵn. Đó chính là những điều sẽ diễn ra với hệ thống ATLAS.

 Thay vì tạo ra phương tiện chiến đấu mới, Mỹ đang theo hướng tích hợp công nghệ AI để xóa nhòa sự thua kém về công nghệ vật lý.

Thay vì tạo ra phương tiện chiến đấu mới, Mỹ đang theo hướng tích hợp công nghệ AI để xóa nhòa sự thua kém về công nghệ vật lý.

Về nguyên tắc, ATLAS là hệ thống trung tâm chỉ huy tích hợp, điều khiển, trao đổi thông tin, mạng thông tin và tình báo (C5ISR); quan trọng hơn nó sẽ đóng vai trò như một hệ thống con trong một hệ thống chỉ huy tổng thể lớn quy mô toàn quân đội của Mỹ. ATLAS ngoài chức năng nâng cao khả năng tác chiến của từng phương tiện cụ thể, còn giúp kết nối nó vào mạng lưới chiến đấu hợp nhất để AI cố vấn cho người chỉ huy tấn công ở hướng nào, thời điểm nào để tối đa hóa khả năng phá hủy mục tiêu.

Lãnh đạo Chương trình phát triển ATLAS, Don Deave cho biết: “ATLAS giúp các phương tiện tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc thay vì tấn công theo phương thức đơn lẻ. Nó làm được điều mà một chỉ huy con người không thể thực hiện được”.

Thử nghiệm thực tế

Thử nghiệm hệ thống ATLAS tại bãi thử Aberdeen, bang Maryland đã chứng minh nó có thể đáp ứng khả năng tác chiến độc lập hoặc theo nhóm chiến đấu tùy theo yêu cầu của chỉ huy. Phương tiện chiến đấu Griffin I với pháo chính 50mm được ứng dụng công nghệ ATLAS đã tự động quét toàn bộ chiến trường. Thông tin được máy tính của hệ thống tổng hợp và phân tích. AI và các thuật toán sàng lọc và đánh giá sự nguy hiểm của các mục tiêu để lên phương án tấn công.

Xe chiến đấu Griffin I được trang bị hệ thống ATLAS.

Toàn bộ thông tin về chiến trường được ATLAS cung cấp và hiển thị cho chỉ huy theo mốc thời gian thực. Trưởng xe chỉ việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên để tấn công. Tất cả thao tác còn lại do ATLAS thực hiện. Sau khi mục tiêu bị tiêu diệt, quy trình lại được lặp lại.

Các chuyên gia quân sự Mỹ tính toán, ATLAS giúp giảm thời gian phản ứng của kíp điều khiển xuống khoảng 3 lần so với hiện tại. Và con số này còn có thể cải thiện trong tương lai khi AI học tập đủ các tình huống tác chiến để tư vấn cho trưởng xe.

Ngoài phương tiện chiến đấu Griffin, rất nhiều tùy biến của hệ thống ATLAS đang được tích hợp và thử nghiệm trên nhiều dòng phương tiện chiến đấu lục quân khác của quân đội Mỹ, trong đó có cả xe tăng chiến đấu chủ lực.

Giới chức quân sự Mỹ kỳ vọng, xe tăng M1 Abrams với hệ thống ATLAS có thể đối đầu với dòng xe tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga. Công nghệ ATLAS giúp xóa nhòa ưu việt về công nghệ vật lý của xe tăng T-14 so với các dòng xe tăng hiện có của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, vấn đề này cần được thử nghiệm và chứng minh trong thực tế.

Tương lai của AI trong phương tiện chiến đấu

Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế có chung nhận định, ATLAS hay AI đang thay đổi bộ mặt của tác chiến truyền thống. Thực tế, AI đang thay thế vai trò của con người để xác định các mối đe dọa và trực tiếp tấn công tiêu diệt. Với việc ghi nhớ mẫu, AI có thể phân biệt phương tiện nào là xe tăng T-90, xe chiến đấu, xe bọc thép, tên lửa chống tăng... để lên phương án ưu tiên tiêu diệt.

Công nghệ ATLAS đang được thử nghiệm và tích hợp trên nhiều phương tiện chiến đấu của Quân đội Mỹ.

AI cũng mở ra tương lai phối hợp tác chiến giữa con người và phương tiện không người lái. Với cầu nối AI, mỗi người lính đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy chiến thuật tại thực địa để đưa các phương tiện không người lái lên tuyến đầu. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng nhận biết tình huống, phản ứng của mỗi người lính, mà còn giảm thương vong trong chiến đấu. Dù điều này vẫn còn trong tương lai xa, nhưng những bước đầu tiên của chiến trường người-máy kết hợp đã hiện hữu.

Chuyên gia quân sự Nga, Mikhail Khodarenok cho biết: “Không chỉ có Mỹ, Nga cũng đang theo đuổi công nghệ AI trong quân sự. Hệ thống máy móc có thể thay thế vai trò của con người trong một số trường hợp nhất định. Khi được tích hợp sâu, AI sẽ làm thay đổi chiến trường tương tự như khi loài người phát hiện ra thuốc súng. Tôi có thể chắc chắn, bất kỳ quốc gia nào làm chủ được AI sẽ sớm sở hữu một đội quân máy móc thay vì con người như hiện tại”.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Topwar, Defentalk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/my-da-tim-ra-vu-khi-doi-trong-voi-xe-tang-t-14-armata-643351