Mỹ đã phạm sai lầm trong quan điểm hiện đại hóa ICBM?

Từ chỗ là nền tảng an ninh quốc gia, trong 30 năm qua, các chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ đã bị cắt ngắn, trì hoãn hoặc hủy bỏ hoàn toàn nhường chỗ cho các ưu tiên khác.

Tranh luận về hiện đại hóa lực lượng ICBM Mỹ đang diễn ra rất sôi nổi. (Nguồn: Forbes)

Tranh luận về hiện đại hóa lực lượng ICBM Mỹ đang diễn ra rất sôi nổi. (Nguồn: Forbes)

1 - ICBM trên đất liền là không cần thiết

Lý do là một loạt máy bay ném bom hạt nhân và tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo đã đủ để răn đe.

Các lập luận dựa trên quan niệm sai lầm này bỏ qua thực tế là lực ICBM bố trí trên đất liền có các thuộc tính riêng giúp tăng cường đáng kể khả năng răn đe của bộ ba hạt nhân - ICBM; máy bay ném bom hạt nhân; tên lửa đạn đạo phóng từ biển. Một đặc điểm quan trọng mà hai nhóm khác của bộ ba hạt nhân không có được là lực lượng ICBM được phân tán rộng rãi trên một vùng rộng lớn của nước Mỹ. Một cuộc tấn công phủ đầu, phản công nhằm vào lực lượng ICBM của Mỹ đòi hỏi đối phương phải tấn công 495 cơ sở ICBM kiên cố và 45 trung tâm điều khiển trải khắp tại năm tiểu bang.

Để tiêu diệt các căn cứ này với mức độ tin cậy từ trung bình đến cao, đối phương sẽ phải sử dụng từ 900-1.000 đầu đạn hạt nhân. Đây sẽ là một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo hạt nhân quy mô lớn và rõ ràng, chịu đòn đáp trả áp đảo của Mỹ từ hai cấu phần còn lại của bộ ba - máy bay ném bom của Không quân và tàu ngầm của Hải quân. Thực tế này làm phức tạp đáng kể và ngăn cản cuộc tấn công của kẻ đánh phủ đầu tiềm tàng.

2 - Các ICBM gây mất ổn định

Lý do là chúng làm tăng nguy Mỹ có thể 'dây' vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

ICBM có làm tăng đáng kể nguy cơ phóng nhầm hoặc ngẫu nhiên so với hai thành phần còn lại của bộ ba không? Không! Như đã lưu ý ở trên, không giống như việc kẻ thù nhắm mục tiêu vào các cấu phần khác trong bộ ba hạt nhân, việc vô hiệu hóa lực lượng ICBM của Mỹ sẽ đòi hỏi một cuộc tấn công hạt nhân lớn vào nước Mỹ. Hơn nữa, Mỹ duy trì một mạng lưới các cảm biến đa miền, đa hiệu ứng chồng chéo, cùng nhau xác nhận các dấu hiệu về một vụ phóng tên lửa thù địch để đảm bảo rằng thông tin đánh giá và cảnh báo về tấn công tên lửa là chuẩn.

Các cấp độ giám sát và xác nhận chính trị-quân sự bổ sung cũng được áp dụng để ngăn chặn việc xác định sai. Một vụ phóng ICBM của Mỹ chỉ có thể xảy ra sau khi một loạt các hành động cực kỳ có chủ ý, có bài bản và hợp tác, được thực hiện theo trình tự thích hợp bởi nhiều nhân viên, từ Cơ quan Chỉ huy Quốc gia đến từng kíp phóng ICBM.

3 - Kéo dài tuổi thọ của Minuteman III sẽ tiết kiệm chi phí hơn

Lập luận phổ biến nhất được phái phản đối chương trình Răn đe chiến lược bằng các vũ khí bố trí trên đất liền (GBSD) là sẽ tốn ít chi phí hơn nếu mở rộng lực lượng ICBM hiện tại thông qua chương trình kéo dài tuổi thọ sử dụng (SLEP) cho nhiên liệu đẩy của Minuteman III, các lõi nhiên liệu mới, hiện đại hóa hệ thống dẫn đường, và nâng cấp là các phương tiện hỗ trợ mặt đất. Phân tích của Không quân Mỹ về các lựa chọn thay thế được thực hiện vào năm 2014 đã xác định rằng tổng chi phí vòng đời của các tên lửa Minuteman III, bao gồm cả SLEP, sẽ vượt quá chi phí để mua và duy trì GBSD trong thời gian phục vụ dự kiến là 60 năm của chúng.

Các nhà phê bình đã đặt vấn đề với phương pháp luận của Không quân Mỹ vì nó bao gồm chi phí chế tạo tên lửa thay thế mới như một phần trong ước tính chi phí chung. Tuy nhiên, làm như vậy là hợp lý vì 4-5 cuộc thử nghiệm bắn đạn thật được tiến hành hàng năm để đảm bảo tên lửa vẫn hoạt động và an toàn sẽ bị cạn kiệt theo thời gian. Xem xét tỷ lệ thử nghiệm này, kho tên lửa Minuteman III tân trang sẽ giảm xuống dưới mức yêu cầu của Bộ Quốc phòng là 400 ICBM được triển khai hoạt động trước năm 2040, trong khi kho tên lửa GBSD sẽ phải duy trì trên 400 cho đến năm 2075. Do đó, Tên lửa Minuteman III mới phải được đưa vào bất kỳ đánh giá chi phí như thế nào. Một vũ khí trả đũa - dù là hạt nhân hay thông thường, đạn đạo hay kiểu khác - phải có khả trở thành một phương tiện răn đe đáng tin cậy và hiệu quả. Nếu không thể, nó là thứ vô dụng.

4 - Không cần vội vàng thay thế Minuteman III

GBSD thực sự là sự thay thế đúng lúc cho Minuteman III, không thể trì hoãn thêm. Các cấu phần của hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa rắn và động cơ tên lửa của hệ thống đẩy trong kho Minuteman III hiện tại không thể được tân trang lại cũng như không dễ thay thế. Do đó, Mỹ có thể không thể hỗ trợ lực lượng ICBM cần thiết gồm 400 tên lửa được triển khai hoạt động trong thời gian rất xa sau năm 2030. Việc trì hoãn GBSD chỉ vài năm sẽ buộc Không quân phải phát triển, sản xuất, thử nghiệm và cấp chứng nhận thay thế đối với một số thành phần quan trọng Minuteman III dẫn đến chi phí mới ước tính từ 6-8 tỷ USD.

Ngoài ra, Không quân có thể chỉ cần chấp nhận sự thiếu hụt trong kho ICBM hoặc giữ các tên lửa Minuteman III hiện có quá thời hạn sử dụng hoặc bằng cách thu hẹp sự phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí trên không và tàu ngầm. Tất cả những lựa chọn này đều làm tăng rủi ro đối với an ninh quốc gia. Phương án trước đây làm tăng xác suất thất bại trong quá trình phóng và phương án sau sẽ yêu cầu đặt một số máy bay ném bom vào tình trạng cảnh báo hạt nhân, lãng phí cơ hội và tài chính đáng kể, vì tên lửa ít tốn kém hơn để bảo trì và chỉ định nhiều máy bay ném bom hơn cho nhiệm vụ cảnh báo hạt nhân có nghĩa là chúng không còn khả dụng cho các nhiệm vụ quan trọng khác. Thêm rủi ro, tăng chi phí và giảm độ tin cậy không cải thiện an ninh quốc gia.

5 - Trao hợp đồng GBSD không mang tính cạnh tranh

Một số nhà phê bình đã đổ lỗi cho quá trình mua sắm GBSD, cho rằng vì Northrop Grumman là công ty duy nhất cuối cùng đấu thầu hợp đồng, chính phủ đã đàm phán trong thế yếu. Điều này là không chính xác. Quá trình mua GBSD rất cạnh tranh. Mặc dù Không quân chỉ nhận được một đề xuất cuối cùng, nhưng Boeing có mọi cơ hội để thực hiện. Tranh cãi về vấn đề này bắt nguồn từ việc cả Boeing và Northrop đều chọn Orbital ATK để sản xuất động cơ tên lửa rắn cho các thiết kế GBSD của họ. Khi Northrop mua lại Orbital ATK vào năm 2018, Boeing đã thông báo cho Không quân rằng họ sẽ không phản hồi yêu cầu đề xuất của họ. Không quân sẵn sàng sửa đổi quy trình cạnh tranh GBSD của mình, nhưng khi không thể đạt được thỏa thuận chung thỏa đáng, họ đã quyết định không trì hoãn chương trình thêm nữa.

Trong khi đó, Northrop không thể chắc chắn rằng Boeing sẽ không thực hiện một cuộc đấu thầu cạnh tranh vào thời điểm cuối cùng và phải đưa ra một đề nghị cạnh tranh. Và bởi vì chỉ có một công ty đấu thầu, các thủ tục kiểm toán tiêu chuẩn của chính phủ đã có hiệu lực để đảm bảo việc định giá là công bằng. Trao hợp đồng đấu thầu đơn không phải là điều bất thường - khoảng 15% tất cả các thương vụ mua lại của Bộ Quốc phòng chỉ có một nhà thầu duy nhất.

Sức mạnh răn đe của bộ ba hạt nhân là nền tảng của nền phòng thủ quốc gia Mỹ, duy trì nó là điều cần thiết. Nếu không hiện đại hóa lực lượng ICBM kịp thời với GBSD, Mỹ sẽ chọn cách giảm bớt an ninh quốc gia và khả năng răn đe hạt nhân của mình trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, khi Nga và Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng và quyết đoán hơn và khi các cường quốc bất hảo đang đầu tư mạnh để có được vũ khí hạt nhân.

(theo Forbes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-da-pham-sai-lam-trong-quan-diem-hien-dai-hoa-icbm-132393.html