Mỹ cứ trừng phạt và đoàn tàu Crimea cứ đi

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, tuyến đường sắt vẫn ngày đêm vận chuyển hàng chục ngàn người từ Nga qua Crimea và ngược lại.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa áp đặt lệnh trừng phạt đối với một công ty đường sắt tư nhân (có trụ sở tại Moscow) kinh doanh dịch vụ chở khách giữa Nga và bán đảo Crimea (được Nga sáp nhập vào năm 2014).

Các lệnh trừng phạt nhắm vào công ty đường sắt Grand Service Express nhằm phong tỏa tài sản nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, đồng thời cấm các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với những đối tượng bị trừng phạt.

CEO của công ty này và 7 người khác trước đó đã chịu các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu vì vai trò của họ trong việc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương của Nga tại Crimea vào tháng 9/2019.

Bộ Tài chính Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt nói trên ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Ukraine. Dự kiến, ông Pompeo sẽ sớm có mặt ở Kiev để gặp Tổng thống Ukraine và các quan chức khác.

"Hành động của Bộ Tài chính, được phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác quốc tế của chúng tôi, nhắc lại sự ủng hộ liên tục của Mỹ nhằm khôi phục quy trình dân chủ tự do và công bằng ở Crimea", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng trong khoang lái con tàu đi đến Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng trong khoang lái con tàu đi đến Crimea.

Giới quan sát cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ mang tính hình thức, nhằm vớt lại chút "thể diện" cho Mỹ với tư cách là bên ủng hộ chính quyền Tổng thống Zelensky. Bất chấp lệnh trừng phạt, tuyến đường sắt vẫn ngày đêm vận chuyển hàng chục ngàn người từ Nga qua Crimea và ngược lại.

Tuyến đường sắt từ Nga đến Crimea được khánh thành vào cuối tháng 12/2019 bởi đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin - người đứng trong khoang lái tàu hỏa đi qua cây cầu dài 19 km. Dự án nhằm tăng cường liên kết giữa Nga và Crimea bằng cách tăng cường vận chuyển hàng hóa và khuyến khích dòng khách du lịch.

Ông Putin cho biết, cây cầu sẽ khôi phục các tuyến đường sắt đến Crimea bị cắt đứt vào năm 2014 khi Moscow sáp nhập bán đảo, gây ra cuộc xung đột ly khai vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine, làm hơn 13.000 người thiệt mạng.

Sau sự kiện này, Văn phòng đại diện cho Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại Crimea đã gọi chuyến thăm của ông Putin trên con tàu hướng đến Crimea là vi phạm chủ quyền Ukraine.

Thông cáo nêu rõ đây là một sự vi phạm thô bạo của phía Nga về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cho thấy sự coi thường của Điện Kremlin trong việc công nhận các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích việc mở liên kết đường sắt, gọi đây là một hành vi vi phạm chủ quyền khác của Ukraine.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell, Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu đã tuyên bố đây là một sự vi phạm mới về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

"Liên kết đường sắt (giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea-ND) là một bước nữa để tiến tới việc Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea và hướng tới sự cô lập Crimea khỏi Ukraine", ông Borrell nhấn mạnh.

Đại diện của EU nói thêm rằng, kết nối đường sắt và đường bộ trên cây cầu Crimea đã gây ra hạn chế cho tàu thuyền đi qua eo biển Kerch đến các cảng của Ukraine ở biển Azov dẫu Moscow luôn khẳng định không có bất cứ cản trở nào đối với Ukraine.

Quan chức cấp cao của EU nhắc lại sự ủng hộ toàn diện của EU đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được công nhận về mặt pháp lý của mình và nhắc lại rằng Liên minh không công nhận việc sáp nhập bất hợp pháp của Nga đối với Crimea.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án việc Nga xây dựng cây cầu Crimea, nói rằng nó đã được thực hiện mà không có sự cho phép của chính phủ Ukraine.

Trang Anh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-cu-trung-phat-va-doan-tau-crimea-cu-di-3396022/