Mỹ cụ thể hóa chiến lược đất hiếm đối phó Trung

Mỹ đang chuẩn bị các bước đi chưa từng có tiền lệ để đảm bảo nguồn cung đất hiếm sau khi bị Trung Quốc đe dọa.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 4/6 đã tuyên bố sẽ tiến hành "các bước đi chưa từng có tiền lệ" nhằm đảm bảo nguồn cung các nguyên tố chiến lược và đất hiếm sau lời đe dọa của Trung Quốc.

Mỹ đang chuẩn bị mọi tình huống để cứu mình khỏi đất hiếm Trung Quốc

Mỹ đang chuẩn bị mọi tình huống để cứu mình khỏi đất hiếm Trung Quốc

Cụ thể, một báo cáo chi tiết về 35 nguyên tố và hợp chất "cực kỳ quan trọng với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế Mỹ" sẽ sớm được công bố.

Trong đó bao gồm uranium và titanium, đất hiếm - một trong những quân bài chiến lược của Trung Quốc có thể tạo ra với Mỹ.

Bộ trưởng Mỹ tiết lộ thêm: "Thông qua các khuyến nghị và đánh giá chi tiết trong báo cáo trên, chính phủ liên bang sẽ tiến hành các bước đi chưa từng có tiền lệ để bảo đảm rằng Mỹ sẽ không bao giờ bị thiếu hụt những nguyên tố thiết yếu này.

Những nguyên tố quan trọng này thường bị ngó lơ, nhưng thẳng thắn mà nói, với cuộc sống hiện đại này, thiếu chúng là điều không thể".

Đất hiếm là thứ hiện diện trong tất cả linh kiện điện tử, từ điện thoại thông minh smartphone đến máy tính, máy bay, thiết bị GPS hay tên lửa trên toàn cầu.

Mỹ hiện là nhà nhập khẩu đất hiếm hàng đầu thế giới với nguồn cung chủ yếu đến từ Trung Quốc. Do đó, đất hiếm trở thành một trong những quân bài hiệu quả của Bắc Kinh trong chiến lược đối phó với Mỹ.

Trước khi ông Wilbur Ross đưa ra tuyên bố trên một ngày, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đánh tiếng đã "thảo luận về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu" đất hiếm tại một hội nghị tập hợp các chuyên gia đầu ngành.

NDRC nhấn mạnh: "Theo gợi ý của các chuyên gia, Trung Quốc cần phải tăng cường việc kiểm soát xuất khẩu và thành lập một cơ chế đánh giá, theo dõi toàn bộ quá trình xuất khẩu đất hiếm".

Lý giải cho điều đó, NDRC cho rằng hành động này là cần thiết để "hạn chế việc khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản quan trọng, góp phần đưa ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc vào chuỗi giá trị".

Trước các mối đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ đã chuẩn bị khả năng tự cung tự cấp hoặc tìm nguồn thay thế đất hiếm ở các thị trường khác nhau.

Việc xử lý đất hiếm khai thác tại mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, nước này hiện đang có tới 1,4 triệu mét khối đất hiếm trong kho dự trữ, gấp 93 lần sản lượng khai thác được năm 2018.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Không quân Mike Andrew đã gửi một báo cáo tới Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ về yêu cầu được cấp nguồn ngân sách liên bang mới nhằm thúc đẩy sản xuất đất hiếm trong nước, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Bộ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng thống, quốc hội và ngành công nghiệp Mỹ để cải thiện năng lực cạnh tranh của Mỹ trong thị trường khoáng sản" - Trung tá Andrew nói.

Ông Andrew không nêu chi tiết báo cáo nhưng cho hay nó gắn với một chương trình liên bang được đề ra nhằm củng cố khả năng sản xuất trong nước thông qua các ưu đãi kinh tế.

Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng khoảng 1% nhu cầu của Mỹ, ước chiếm khoảng 9% nhu cầu toàn cầu về đất hiếm, theo báo cáo năm 2016 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ.

Từ lâu, Lầu Năm Góc đã quan ngại về khả năng phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc trong ngành sản xuất vũ khí quốc phòng.

Trong báo cáo năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đề cập đến các lỗ hổng trong căn cứ công nghiệp quốc phòng của Mỹ bao gồm nguy cơ dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu dất hiếm III của Trung Quốc.

Công ty khai thác đất hiếm duy nhất tại Mỹ - MP Materials lại xuất khẩu toàn bộ sản lượng khai thác sang Trung Quốc. Vì trên thế giới không cơ sở chế biến nào có đủ năng lực xử lý lượng sản phẩm của họ.

Oliver Nugent - nhà phân tích tại Citigroup cho biết: "Với các ngành công nghiệp phi quân sự tại Mỹ, họ không có cách nào thoát phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc trong ngắn hạn".

Việc khai thác và xử lý đất hiếm "gặp rất nhiều thách thức về môi trường, công nghệ và vốn. Điều này cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ cả nhà đầu tư và chính phủ, nếu thực hiện ngoài Trung Quốc".

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-cu-the-hoa-chien-luoc-dat-hiem-doi-pho-trung-3381381/