Mỹ công nhận tội ác diệt chủng tại Armenia thách thức Thổ Nhĩ Kỳ; Ankara không chấp nhận 'lời dạy bảo', triệu Đại sứ Mỹ

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/4 đã triệu Đại sứ Mỹ tại Ankara tới làm việc, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công nhận vụ thảm sát người Armenia năm 1915.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công nhận tội ác diệt chủng tại Armenia, một bước đi mang tính bước ngoặt thách thức Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công nhận tội ác diệt chủng tại Armenia, một bước đi mang tính bước ngoặt thách thức Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao nước này - ông Sedat Onal đã nói với Đại sứ Mỹ David Satterfield rằng quyết định mới nhất của Washington không có cơ sở pháp lý và Ankara "không công nhận, cũng như cho rằng đây là điều không thể chấp nhận và tuyên bố lên án".

Ngoài ra, Ankara cũng cho rằng quyết định mới của Mỹ đã gây ra "vết thương trong mối quan hệ song phương và khó có thể được hàn gắn".

Trước đó, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công nhận tội ác diệt chủng tại Armenia, một bước đi mang tính bước ngoặt thách thức Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiên quyết phủ nhận các cuộc thảm sát trong những năm 1915-1917 dưới thời Đế chế Ottoman.

Trong một tuyên bố, ông Biden nêu rõ: "Chúng tôi tưởng nhớ tất cả những người đã chết trong tội ác diệt chủng người Armenia thời Ottoman và chúng tôi tự nhủ phải ngăn chặn hành động tàn bạo như vậy xảy ra một lần nữa...Chúng tôi khẳng định lịch sử. Chúng tôi làm điều này không phải để đổ lỗi mà để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra không bao giờ lặp lại".

Thông qua tuyên bố trên, ông Biden đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng thuật ngữ này trong một thông điệp hàng năm.

Một quan chức Mỹ nhắc lại rằng hành động này không nhằm mục đích đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được coi là "đồng minh quan trọng của NATO".

Quan chức này nói: "Tuyên bố này có rất nhiều mục đích - rất nhiều mục đích của Tổng thống - để thực hiện điều này một cách rất nguyên tắc, tập trung vào giá trị của quyền con người, và không vì bất kỳ lý do nào ngoài lý do đó, bao gồm cả việc đổ lỗi".

Phản ứng trước động thái trên, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức sau đó đã cáo buộc Washington đang cố gắng viết lại lịch sử.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc “các bên thứ 3” đang can thiệp vào nội bộ Ankara. Ông nêu rõ: “Không ai được lợi từ những tranh cãi này – công việc đáng lẽ thuộc về các nhà sử học – bị các bên chính trị hóa và trở thành một công cụ để can thiệp vào quốc gia của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đăng trên mạng xã hội Twitter: “Từ ngữ không thể thay đổi hay viết lại lịch sử… Chúng tôi sẽ không nhận lời dạy bảo của bất cứ ai về lịch sử nước tôi”.

Trong khi đó, tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã được Armenia hưởng ứng. Ngày 24/4, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ca ngợi việc Mỹ công nhận tội ác diệt chủng nhằm vào người Armenia vào dịp kỷ niệm 106 năm ngày xảy ra những vụ tàn sát dưới thời Đế chế Ottoman trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Thông qua mạng xã hội Facebook, ông Pashinyan cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden về "bước đi mạnh mẽ nói trên, hướng tới công lý và sự thật lịch sử, là hỗ trợ vô giá cho hậu duệ của các nạn nhân diệt chủng Armenia”. Theo ông, sự công nhận này tạo ra "một tấm gương đáng khích lệ cho tất cả những ai muốn xây dựng một cộng đồng quốc tế công bằng và khoan dung".

Trong bức thư gửi Tổng thống được công bố cùng ngày, ông Pashinyan cho rằng việc công nhận nói trên là một vấn đề an ninh đối với Armenia, đặc biệt sau các sự kiện đã diễn ra trong khu vực vào năm ngoái, khi cuộc chiến tại Nagorny-Karabakh nổ ra. Bức thư có đoạn: " Người dân Armenian trên toàn thế giới hưởng ứng rất nhiệt tình và hoan nghênh việc công nhận tội ác diệt chủng".

(theo AFP/Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-cong-nhan-toi-ac-diet-chung-tai-armenia-thach-thuc-tho-nhi-ky-ankara-khong-chap-nhan-loi-day-bao-trieu-dai-su-my-143247.html