Mỹ công bố kế hoạch loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, nói rõ kế hoạch của Mỹ nhằm loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 vì quyết định của Ankara nhằm mua các hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, mà Washington kịch liệt phản đối.

Một chiếc F-35 (Ảnh: Không quân Mỹ)

Một chiếc F-35 (Ảnh: Không quân Mỹ)

Theo RT, ông chủ Lầu Năm Góc Patrick Shanahan đã thông báo cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar về việc Mỹ sẽ rút Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35. Ankara là một đối tác chính và cũng là nhà cung cấp duy nhất hàng chục thiết bị cho các máy bay chiến đấu F-35.

Bức thư ký ngày 6/6 nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải ngừng mọi hoạt động liên quan tới chương trình F-35 vào ngày 31/7 tới, bao gồm việc huấn luyện các phi công. Cho tới khi đó, các phi công vẫn được phép ở lại Mỹ nhưng qua hạn chót, họ sẽ bị cấm vào căn cứ không quân Luke tại bang Arizona và căn cứ không quân Eglin tại Florida, nơi các chương trình huấn luyện đang diễn ra. Hiện 42 phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt tại các căn cứ này để phục vụ việc huấn luyện.

Xác nhận các thông tin báo chí trước đó, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan cho biết Mỹ sẽ không nhận bất kỳ phi công mới nào “vì chúng tôi sẽ ngừng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35”.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không được mời tham gia cuộc thảo luận bàn tròn CEO thường niên F-35 thường niên vào ngày 12/6 và cũng không nhận được bản cập nhật sản xuất, duy trì và cập nhật phát triển kế tiếp theo kế hoạch. Mỹ sẽ "đình chỉ vô thời hạn" việc giao vật liệu và thiết bị cho Thổ Nhĩ Kỳ trong phạm vi chương trình.

Kế hoạch loại Ankara khỏi dự án F-35 diễn ra sau khi tập đoàn quốc phòng Nga Rostec ngày 7/6 thông báo rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tháng nữa, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.

Giám đốc điều hành Rostec Sergey Chemezov cho biết Nga đã hoàn thành việc đào tạo các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ để điều khiển các tổ hợp phòng không tiên tiến.

Mỹ đã ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Washington coi sự hiện diện của các hệ thống phòng thủ này tại Thổ Nhĩ Kỳ là một mối đe dọa an ninh với các máy bay chiến đấu F-35 và khối NATO nói chung. Nhưng bất chấp các cảnh báo Washington, Ankara vẫn quyết mua S-400.

Việc Ankara mua S-400 đã làm cản trở kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mua 100 máy bay chiến đấu F-35. Trong bức thư, Bộ trưởng Shanahan tái khẳng định rằng “Ankara sẽ không nhận được F-35 nếu nhận bàn giao S-400. Ông nhắc lại cáo buộc S-400 có thể làm tổn hại khả năng tương tác của NATO và an ninh của các máy bay chiến đấu F-35 và rằng thỏa thuận - mà Ankara và Moscow ký kết vào năm 2017 - có thể dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ bị quá phụ thuộc về chiến lược và kinh tế vào Nga, buộc Mỹ phải rời khỏi thị trường này.

Phác thảo một bức tranh ảm đạm về Thổ Nhĩ Kỳ khi không có F-35, ông Shanahan dự đoán "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổn thất về việc làm, GDP và thương mại quốc tế". Trên hết, Mỹ cũng có thể áp đặt các lệnh cấm vận đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA). Ông nói, để tránh các rắc rối này, Thổ Nhĩ Kỳ phải từ bỏ thỏa thuận với Nga, điều mà Ankara bác bỏ, khẳng định rằng S-400 là một giải pháp hiệu quả hơn cho phòng thủ so với các lựa chọn thay thế mà Mỹ đưa ra.

Ngoài kế hoạch mua F-35, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung cứng của chương trình, khi sản xuất tổng cộng 937 bộ phận, 400 trong số đó là độc quyền, và đầu tư hơn 1 tỷ USD cho dự án. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ellen Lord ngày 7/6 xác nhận Mỹ muốn đưa các công ty Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 vào đầu năm 2020 để không có gián đoạn nào lớn đối với dự án, dù mất sự đóng góp lớn của Ankara trong chương trình.

Theo dantri.com.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-cong-bo-ke-hoach-loai-tho-nhi-ky-khoi-chuong-trinh-tiem-kich-f-35/20190608045620809