Mỹ công bố bằng chứng 'tái nhiễm sẽ nhẹ' và tỉ lệ cụ thể

Theo CDC Mỹ, cơ hội để bệnh nhẹ, không phải nhập viện cao hơn tới 68% khi tái nhiễm, miễn là bạn đã chích vắc-xin, 3 mũi sẽ tốt hơn 2 mũi.

Nghiên cứu mới do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hợp tác với tổ chức Epic Research thực hiện đã xem xét hồ sơ sức khỏe của hơn 50.000 bệnh nhân Covid-19 trong cả làn sóng Delta và Omicron. Những người này đã bị tái nhiễm trong thời gian trên 3 tháng kể từ lần nhiễm trùng đầu tiên.

Họ được cho là đã có khả năng miễn dịch tự nhiên tốt sau khi nhiễm Covid-19 lần đầu tiên, tuy nhiên theo như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khả năng miễn dịch này giảm dần theo thời gian, tức nguy cơ tái nhiễm và nguy cơ mắc bệnh nặng tăng trở lại. Sau vài tháng, miễn dịch tự nhiên này có thể không còn đủ để bạn không phải nhập viện khi tái nhiễm.

CDC khuyên người dân nên tiêm đủ các mũi vắc-xin ngừa Covid-19 được khuyến nghị dù từng mắc bệnh hay chưa - Ảnh: MEDICAL XPRESS

CDC khuyên người dân nên tiêm đủ các mũi vắc-xin ngừa Covid-19 được khuyến nghị dù từng mắc bệnh hay chưa - Ảnh: MEDICAL XPRESS

Tuy nhiên theo Medical Xpress, nghiên cứu mới cho thấy sự kết hợp giữa vắc-xin và tình trạng nhiễm trùng trước đó sẽ tạo ra một hiệu quả gấp bội.

Trong làn sóng Delta, các nhà nghiên cứu vẫn ghi nhận một số trường hợp tái nhiễm nhưng ít. Các bệnh nhân tái nhiễm này nếu đã tiêm 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 thì khả năng bệnh nhẹ, không phải nhập viện cao hơn 47% so với nhóm tái nhiễm chưa được tiêm ngừa. Người nhận được mũi 3 như liều tăng cường sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn, khoảng 57%.

Với Omicron, người tái nhiễm tiêm 2 liều có cơ hội bệnh nhẹ, không phải nhập viện cao hơn 34%; người tiêm 3 mũi nhận được lợi ích lên tới 68%.

Hiệu quả này là tương đương giữa nhóm bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi.

Tiến sĩ - bác sĩ Jackie Gerhard từ Epic Research cho rằng dữ liệu có lẽ cho thấy mũi tăng cường không hiệu quả nhiều ở Delta so với Omicron có thể do dữ liệu được thu thập quá sớm sau khi tiêm mũi tăng cường ở người bị nhiễm Delta, dẫn đến việc mũi tiêm có thể chưa phát huy tác dụng.

Dựa vào các kết quả trên, các nhà khoa học CDC đề nghị tất cả những người có điều kiện, bao gồm người có tiền sử mắc Covid-19, nên cân nhắc tiêm đủ các liều vắc-xin Covid-19 được khuyến nghị. Điều này không chỉ bảo vệ người dân chống lại bệnh nặng mà còn giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Nghiên cứu được công bố trên Morbidity and Mortality Weekly Report.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/my-cong-bo-bang-chung-tai-nhiem-se-nhe-va-ti-le-cu-the-20220415115042003.htm