Mỹ cởi trói cho Nga

Giới phân tích Nga cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF đã cởi trói cho Nga lập lại thế cân bằng, thiết lập nguyên tắc đồng đẳng chiến lược.

Mỹ lần lượt rút khỏi ABM và INF

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 23/10 đã tuyên bố rằng, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Donald Trump ở Helsinki, quá trình dần dần khôi phục đối thoại song phương giữa Nga và Mỹ đang bắt đầu được khởi động.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu điều này trong cuộc họp với cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton.

"Tôi vui mừng chào đón Ngài [John Bolton] tại Bộ Quốc phòng Nga. Chương trình làm việc của Ngài khá bận rộn. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ giúp thúc đẩy sự ổn định trong quan hệ Nga-Mỹ", Bộ trưởng Nga nói trong phần mở đầu cuộc đàm phán với ông Bolton tại Moscow.

"Sau cuộc gặp gỡ của hai Tổng thống chúng ta, có thể nhận thấy đối thoại song phương đang dần dần được phục hồi. Tôi tin rằng, kể cả những bước đi nhỏ cũng góp phần mang lại lợi ích cho mối quan hệ của chúng ta và khôi phục sự tin cậy" - ông Shoigu nói.

Theo vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, trên thế giới hiện nay có một số lượng lớn các vấn đề mà Nga và Mỹ có thể cùng nhau nỗ lực giải quyết.

Hôm 22/10, ông Bolton cũng đã có cuộc hội kiến kéo dài 5 giờ đồng hồ với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Nikolai Patrushev.

Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về một loạt các vấn đề, từ các phương án cho Hiệp ước SALT mới (Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, được gọi tắt là Hiệp ước ABM), tới những cáo buộc nữ công dân Nga Elena Khusyaynova "can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ".

Bàn về sự kiện mới nhất là Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ John Bolton cho biết, ông tin rằng sẽ là phóng đại nếu nói khả năng Mỹ rút khỏi INF có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm cho thế giới nguy hiểm hơn.

Khi được hỏi liệu hành động này của Hoa Kỳ có dẫn đến cuộc đua vũ trang mới hay không, ông Bolton cho rằng, đó là sự khoa trương quá mức.

Tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân RSD-10 (Mã GRAU 15Zh45, tên NATO là SS-20 Saber), được Liên Xô triển khai từ năm 1976 đến năm 1988

“Tôi đã ở đây (tại Moscow) gần 17 năm trước trong giai đoạn Mỹ rút khỏi “Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo” (ABM) và chúng tôi đã nghe nhiều tuyên bố như vậy. Mỹ đã rút khỏi ABM, và bây giờ an ninh của Hoa Kỳ đã được đảm bảo tốt hơn" - ông Bolton nói với phóng viên BBC.

Bolton cho biết, ông đã thảo luận về vấn đề Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với các đối tác Nga trong chuyến thăm của ông tới Moscow.

Theo ông, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nhận thức được rằng bản thỏa thuận này có từ thời Chiến tranh Lạnh, nó chỉ là chuyện giữa hai quốc gia, còn giờ đây khi thực tế toàn cầu thay đổi, Nga và Mỹ phải bằng cách nào đó để phản ứng lại.

Trả lời câu hỏi phóng viên, ông nói không tán thành với quan điểm của Nga, rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ làm cho thế giới nguy hiểm hơn. "Không, nó phản ánh một thực tế thay đổi, chúng ta cần hành động dựa trên các sự kiện mà chúng ta biết rõ" - Bolton nói.

Mỹ rút khỏi INF là cơ hội của Nga?

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Washington không có ý định tuân thủ Hiệp ước INF trước sự vi phạm của Moscow; do đó, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi thỏa thuận với Nga. Tổng thống Mỹ cũng cho biết, Washington sẽ phát triển vũ khí để đối phó với những thách thức.

Trong khi Tổng thống và giới quan chức Mỹ nói như vậy, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov thông báo rằng, việc hủy bỏ Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) sẽ làm tổn hại đến sự ổn định toàn cầu, dấy lên chạy đua vũ trang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-coi-troi-cho-nga-3367835/