Mỹ có ý đồ gì khi tuyên bố tụt hậu so với Nga?

Chuyên gia quân sự Alexander Zhilin bình luận rằng, Lầu Năm Góc có ý đồ khi tuyên bố tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, điển hình như vũ khí siêu thanh.

Mỹ đã thừa nhận tụt hậu so với Nga về vũ khí siêu thanh. (Nguồn: MBS)

Trước đó, phát biểu với tạp chí Newsweek, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Robert Carver cho hay, cơ quan này nhận thấy "sự bất cân xứng trong khả năng quân sự" giữa Moscow và Washington là do Nga phát triển công nghệ cho vũ khí siêu thanh, điều mà không quốc gia nào có được. Sự chậm trễ này của Mỹ cần được giải quyết.

Đánh giá về phát biểu trên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng về an ninh quốc gia của Nga, Đại tá nghỉ hưu Zhilin nêu rõ: "Thực trạng quân sự của mỗi quốc gia là bí mật được bảo vệ bằng mọi cách bởi các cơ quan đặc biệt, kể cả tung tin giả. Cả một hệ thống hoạt động để bảo vệ và ngăn chặn rò rỉ bí mật quân sự. Ở đây, chúng ta thấy Washington thường xuyên reo rắc ý nghĩ 'Ồ, mọi thứ đều tệ hại, chúng tôi tụt hậu so với Nga, tự chúng tôi bị tụt lại'... Khi ai đó hành xử theo cách này, cần xem xét cẩn thận những gì họ định che đậy với những tuyên bố này".

Theo ông Zhilin, rất nhiều thông tin trên báo chí Mỹ về vũ khí Nga, có thể liên quan đến vấn đề tài chính. Chuyên gia này phân tích, Bộ Quốc phòng Mỹ có loại "ghế xích đu" này, chuyên liên quan đến tài chính, đặc biệt khi đến lúc phải có thêm tiền, cần thuyết phục các cơ quan chính trị rằng Lầu Năm Góc cần được phân bổ nhiều hơn. Hiện ngân sách quốc phòng của Mỹ lớn hơn tổng chi tiêu quốc phòng của tất cả các nước cộng lại.

"Tất nhiên khi nói đến số tiền như vậy, chúng ta có thể nghe thấy bất cứ điều gì nhằm mục đích kiếm nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Chúng ta phải đi trên con đường của mình, có kế hoạch và phát triển tiềm năng quân sự mà không cần chạy theo 'đối tác' như vậy", ông Zhilin nói.

Cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất thông tin chính thức có vũ khí siêu thanh. Hồi tháng 2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moscow thử nghiệm thành công tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon.

Gần đây, Mỹ đã tích cực nghiên cứu phát triển các tên lửa siêu thanh. Năm 2018, quân đội Mỹ bắt đầu với tên lửa không đối đất ARRW. Mỹ cũng đang chế tạo tên lửa siêu thanh tầm xa HCSW cho không quân. Tổng cộng, ARRW và HCSW sẽ tiêu tốn ngân sách Mỹ gần 1,5 tỷ USD.

Chu An

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-co-y-do-gi-khi-tuyen-bo-tut-hau-so-voi-nga-104224.html