Mỹ có thêm động thái thân thiết với Đài Loan, Trung Quốc 'sục sôi'

Mỹ dự định mời Đài Loan tham dự cuộc diễn tập lớn nhất khu vực mang tên RIMPAC-2020, đây được coi là thách thức 'cực hạn' trong quan hệ Mỹ - Trung.

Thượng viện Mỹ ngày 24/7 đã thông qua dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) tài khóa 2021 với mức ngân sách quốc phòng là 740,5 tỉ USD, trong đó đề xuất, Mỹ sẽ mời Đài Loan tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tới đây.

 RIMPAC là cuộc diễn tập đa quốc gia lớn nhất trong khu vực. Nguồn: Sina.

RIMPAC là cuộc diễn tập đa quốc gia lớn nhất trong khu vực. Nguồn: Sina.

Đây là bước leo thang mới của Mỹ sau hàng loạt các cuộc “đối đầu” với Trung Quốc trên khắp các mặt trận từ ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự. Giới phân tích phương Tây cho rằng, Đài Loan luôn là vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ Mỹ - Trung nhiều năm qua.

Việc Mỹ mời Đài Loan tham gia RIMPAC-2020 được coi như một “cú đánh” mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc. Năm 2018, Mỹ đã gạch tên Trung Quốc ra khỏi danh sách khách mời các quốc gia tham dự cuộc diễn tập lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương này, để phản đối cách hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tháng 5/2020, Hải quân Mỹ xác nhận, Trung Quốc tiếp tục là “kẻ ngoài rìa” trong cuộc diễn tập RIMPAC-2020 dự kiến diễn ra từ ngày 17 – 31/8 tại vùng biển gần Hawaii. Theo đánh giá của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CBSA) Mỹ, sự xuất hiện của Trung Quốc tại RIMPAC mang theo rủi ro lớn, đặc biệt là khả năng nước này thu thập tin tức tình báo.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu nhau trên mọi mặt trận, việc không mời Trung Quốc mà mời Đài Loan tham gia cuộc diễn tập này sẽ trở thành một bước leo thang mới trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ.

Về phía Trung Quốc, giới phân tích nước này tỏ ra bất bình mạnh mẽ trước đề xuất trên của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc, cựu Thiếu tướng Hải quân, ông Doãn Trác cho biết, hành động của Mỹ đã thách thức nguyên tắc Một Trung Quốc, Mỹ đang lợi dụng “lá bài” Đài Loan để gây sức ép với Trung Quốc, phục vụ những mưu đồ riêng của Tổng thống Trump.

Trung Quốc tiếp tục là kẻ ngoài rìa ở RIMPAC-2020. Nguồn: Sina.

Thực tế cho thấy, tham dự cuộc diễn tập RIMPAC đều là các quốc gia có chủ quyền, Mỹ mời Đài Loan tham gia cuộc diễn tập này là hành động gián tiếp khẳng định chủ quyền Đài Loan, vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc mà Mỹ đã ký kết. Hành động của Mỹ đã thách thức “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng quan hệ giữa hai bên.

Vị chuyên gia này cho rằng, do sự mất kiểm soát đối với đại dịch Covid-19, đồng thời nền kinh tế khó có khả năng phục hồi, ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng tái đắc cử, nên Tổng thống Trump đã chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, với ý đồ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh để đạt được sự ủng hộ của cử tri.

Đối với việc NDAA 2021 đề nghị 2 tàu USNS Comfort (T-AH-20) và tàu USNS Mercy (T-AH-19) được phép cập cảng tại Đài Loan, ông Doãn Trác tin rằng, Mỹ có ý định sử dụng chiến lược "cắt xúc xích" để gây nguy hiểm cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, “Bắc Kinh sẽ không tha thứ hoặc để cho tàu Mỹ bình an cập cảng Đài Loan”.

Khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã đạt được sự nhất trí về việc Quân đội Mỹ không được phép tồn tại bất kỳ sự hiện diện quân sự nào tại Đài Loan. Đây cũng là điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Hiện, Mỹ muốn sử dụng tàu bệnh viện để cập cảng Đài Loan thay cho tàu chiến, đây chỉ là chiến lược “cắt lát xúc xích” của Mỹ, Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy ra.

Trên thực tế, tàu bệnh viện cũng là tàu quân sự, và có mang theo binh lính Mỹ, nếu các con tàu này cập cảng Đài Loan sẽ vi phạm ba điều kiện chính để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, mục đích chính trong hành động này của Mỹ là xem xét phản ứng của Trung Quốc; sử dụng điều này để đẩy mạnh tuyên truyền; đánh tín hiệu tích cực cho các nhân sĩ ủng hộ "Đài Loan độc lập".

Hãng thông tấn Sputnik cho rằng, gần đây, Mỹ thường xuyên sử dụng “lá bài” Đài Loan để thách thức Trung Quốc. Ngoài nội dung liên quan đến Đài Loan trong NDAA 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã phê duyệt việc cung cấp tên lửa Patriot-3 trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper mới đây tuyên bố rằng, Mỹ sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải qua eo biển Đài Loan. Hành động của Mỹ đang tạo ra những áp lực lớn cho Trung Quốc, và Bắc Kinh chắc chắn sẽ có những biện pháp đáp trả.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/my-co-them-dong-thai-than-thiet-voi-dai-loan-trung-quoc-suc-soi-259769.html