Mỹ có thể trừng phạt gì sau binh biến ở Myanmar?

Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ tìm cách trừng phạt các lãnh đạo quân sự ở Myanmar. Nhưng giới quan sát cho rằng Mỹ có ít lựa chọn để gây sức ép lên các tướng lĩnh.

Những biện pháp trừng phạt kinh tế rộng, như đã được các chính quyền George W. Bush và Barack Obama sử dụng, có thể bị người dân Myanmar phản đối, khiến Mỹ mất hình ảnh trong mắt dư luận nước này, theo các nhà phân tích.

Thương mại giữa Mỹ và Myanmar tương đối nhỏ, trong khi quan hệ thương mại và đầu tư giữa Myanmar và Trung Quốc lên tới nhiều tỷ USD. Các động thái gây sức ép của Mỹ có thể càng đẩy Myanmar về phía Trung Quốc, khiến cạnh tranh Mỹ - Trung về tầm ảnh hưởng trong khu vực càng thêm trầm trọng, theo Wall Street Journal.

 Lính Myanmar đứng gác bên ngoài tòa thị chính ở thành phố Yangon, Myanmar vào ngày 1/2 sau vụ binh biến. Ảnh: Reuters.

Lính Myanmar đứng gác bên ngoài tòa thị chính ở thành phố Yangon, Myanmar vào ngày 1/2 sau vụ binh biến. Ảnh: Reuters.

Đối sách nào trong tay ông Biden?

Sự kiện Myanmar là thách thức lớn đầu tiên cho chính sách đối ngoại của ông Biden.

Lựa chọn của Mỹ có thể bao gồm mở rộng lệnh trừng phạt đối với các lãnh đạo cuộc chính biến, những người vốn đã bị trừng phạt vì chính sách của Myanmar đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Mỹ cũng có thể tiếp tục theo dõi và tiết lộ các thương vụ quốc tế của giới lãnh đạo quân đội Myanmar.

Ngày 1/2, Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang miễn một số lệnh trừng phạt lên Myanmar vì các tiến bộ về dân chủ, nhưng có thể tái áp đặt nhiều biện pháp cấm vận của các chính quyền trước.

“Nếu các tiến bộ đó bị đảo ngược, các quy định trừng phạt của chúng tôi sẽ được xem xét lại, kèm theo các hành động hợp lý”, ông Biden nói.

Washington cũng có thể ngừng viện trợ cho Myanmar. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã chi 175 triệu USD, chiếm phần lớn trong tổng số 216 triệu USD viện trợ của Mỹ cho Myanmar từ năm 2001. Các dự án lớn nhất bao gồm hỗ trợ lương thực, hỗ trợ bầu cử... Số tiền tổng cộng trên ngang với một nửa số tiền mà Mỹ đầu tư vào Philippines từ năm 2001 (428 triệu USD).

Cảnh sát được điều động trên khắp Yangon, trung tâm kinh tế của Myanmar. Ảnh: New York Times.

Trung Quốc nắm nhiều “lá bài” hơn

Quan hệ thương mại giữa hai nước Mỹ - Myanmar tương đối nhỏ. Mỹ chỉ nhập khẩu 969 triệu USD từ Myanmar trong 11 tháng đầu năm 2020.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng có nhiều dự án hạ tầng, thương mại và năng lượng với Myanmar, nhằm giúp miền Tây Nam không giáp biển của Trung Quốc vươn tới được Ấn Độ Dương. Đó là một mục tiêu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Ở Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa từ lâu đã gây sức ép lên lãnh đạo quân đội Myanmar và thúc đẩy bầu cử dân chủ.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul, bang Texas, người Cộng hòa cao cấp nhất trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói lãnh đạo quân đội Myanmar “phải chấm dứt bắt bớ tùy tiện, ngừng can thiệp mạng viễn thông, đưa đất nước trở về nền dân chủ ngay lập tức, và phải có trừng phạt đối với các hành động của họ”.

Nhà Trắng cho biết Mỹ đang tham vấn chặt chẽ ở nhiều cấp với các đồng minh, đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Liên Hợp Quốc và các nền dân chủ lớn ở phương Tây chỉ trích động thái của quân đội ngày 1/2. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên bình tĩnh, giải quyết khác biệt theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội.

Người dân ra đường thể hiện sự ủng hộ đối với bà Aung San Suu Kyi vào tháng 12/2019. Ảnh: AFP.

“Đảo chính có thể gây hỗn loạn ở Myanmar, đó là điều Trung Quốc không muốn”, Josh Kurlantzick, nhà nghiên cứu Đông Nam Á ở Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cho biết.

Ông nói Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn Mỹ, trong khi Mỹ đang bị coi là gặp khó khăn trong nước, chật vật ứng phó đại dịch Covid-19. Chính quyền ông Biden cũng chưa nói rõ là sẽ hợp tác với các đồng minh thế nào trong đối sách với Myanmar.

Trước khi lên nắm quyền, bà Aung San Suu Kyi từng bị quân đội quản thúc tại gia trong 15 năm, và từng được quốc tế ca ngợi vì cuộc đấu tranh bền bỉ cho dân chủ ở Myanmar.

Trong những năm gần đây, sau khi lên nắm quyền kể từ cuộc bầu cử năm 2015, chính bà lại trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất bảo vệ cho quân đội trước các cáo buộc quốc tế về chính sách đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Từ cuối năm 2017, hàng trăm nghìn người Rohingya đã phải xin tị nạn ở Bangladesh vì những chính sách phân biệt của Myanmar đối với họ, theo New York Times.

Nhiều lãnh đạo quân đội Myanmar vẫn đang bị Mỹ trừng phạt từ trước cuộc binh biến vì chính sách đối với người Rohingya. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, vào danh sách đen tháng 12/2019.

Trọng Thuấn

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-co-the-trung-phat-gi-sau-binh-bien-o-myanmar-post1179986.html