Mỹ có thể tham gia vào 'định dạng Normandy'?

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Khôi phục các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, ông Aleksey Reznikov cho biết, Mỹ có cả quyền đạo đức và pháp lý để làm việc theo 'định dạng Normandy'.

Được biết, tiến trình đàm phán theo định dạng Normandy (Nga, Ukraina, Pháp và Đức) về giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine bắt đầu từ tháng 6/2014. Từ đó đến nay đã diễn ra nhiều cuộc điện đàm và gặp gỡ cấp cao, cũng như những cuộc tiếp xúc của bộ trưởng ngoại giao bốn nước.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky gọi các cuộc tập trận của Nga ở biên giới với nước này là “phô trương sức mạnh”. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky gọi các cuộc tập trận của Nga ở biên giới với nước này là “phô trương sức mạnh”. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)

Trước đó, các bên đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng, Thỏa thuận Minsk vẫn tiếp tục là cơ sở chính cho hoạt động của “định dạng Normandy”, thực hiện rút quân và vũ khí tại ba điểm mới trên đường phân tuyến Donbass cho đến cuối tháng 3/2020. Các nhà lãnh đạo của Bộ tứ Normandy cũng kêu gọi đảm bảo ngừng bắn ở Donbass, hoàn tất trao đổi tù nhân ngay trong năm 2019 theo hình thức “tất cả đổi tất cả” và để Hội Chữ Thập Đỏ được quyền “tiếp cận đầy đủ và vô điều kiện tất cả những người bị giam giữ”.

Lần gần đây nhất lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên theo “định dạng Normandy” là tại Paris, Pháp vào ngày 9/12/2019.

Theo ông Reznikov, sự tham gia của Mỹ vào các cuộc đàm phán về tình hình ở Donbass ở “định dạng Normandy” là hoàn toàn có thể và chấp nhận được.

“Sự tham gia của Mỹ là hoàn toàn có thể và có thể chấp nhận được ở các mức độ khác nhau”, ông Reznikov phát biểu trên sóng chương trình Tự do Ngôn luận của Ukraine.

Ngoài ra, ông Reznikov nhấn mạnh, Mỹ là một thành viên và nhà tài trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), vì cũng giống như các nước OSCE khác, Mỹ cũng đóng góp vào đó.

“Mỹ có cả quyền đạo đức và quyền hợp pháp để làm việc ở cả định dạng Normandy và ở cấp đại sứ cũng như điều phối viên của Nhóm liên lạc ba bên”, ông Reznikov nói thêm.

Những tuyên bố của ông Reznikov được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và người đứng đầu Nhà Trắng, Joe Biden có cuộc điện đàm, trong đó thảo luận về việc xây dựng quân đội Nga ở Donbas.

Trước đó, hôm 27/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có đủ tố chất để thuyết phục người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán về Donbass theo “định dạng Normandy”.

Hôm 30/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ukraine đã không tham gia vào các cuộc điện đàm.

Trong khi đó, hôm 31/3, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, 3 trong số 4 nhà lãnh đạo của 4 nước trong “định dạng Normandy” - Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí về sự cần thiết của một hội nghị thượng đỉnh Normandy. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi việc thực hiện các thỏa thuận mà các bên đã đạt được tại Paris vào tháng 12/2019.

Mới đây nhất, Pháp và Đức - các nhà hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, làm tiền đề cho các cuộc đối thoại sắp tới.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/binh-luan/my-co-the-tham-gia-vao-dinh-dang-normandy-280924.html