Mỹ có thể làm gì sau đảo chính ở Myanmar?

Với cuộc đảo chính ngày 1/2, quân đội Myamar tạo ra một phép thử sớm đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, ông Biden có rất ít lựa chọn.

Những người ủng hộ Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Myanmar ở Thái Lan ngày 2/1 để phản đối quân đội. Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Myanmar ở Thái Lan ngày 2/1 để phản đối quân đội. Ảnh: Reuters

Sự ra đời của nền dân chủ ở Myanmar ban đầu được ca ngợi như một thành tựu quan trọng của chính quyền Obama mà ông Biden làm phó tổng thống, đánh dấu sự mở cửa của một quốc gia sau nhiều thập kỷ bị cô lập. Nhưng bà Aung San Suu Kyi, người cùng nhiều lãnh đạo dân sự khác bị quân đội bắt hôm 1/2, đã đánh mất sự ủng hộ của phương Tây sau các chiến dịch truy quét nhằm vào cộng đồng Hồi giáo Rohingya.

Cùng ngày xảy ra đảo chính, ông Biden ra tuyên bố lên án và dọa tái áp dụng trừng phạt.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, người đáng ra phải nghỉ hưu trong năm nay, đã bị Mỹ và Anh trừng phạt sau chiến dịch truy quét người Rohinya. Tuy nhiên, ông Hlaing vẫn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Trong cuộc gặp vào tháng trước với vị tướng 64 tuổi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, hai nước là “anh em” và ca ngợi vai trò của quân đội Myanmar trong “sự hồi sinh của quốc gia”.

“Dù cuộc đảo chính chắc chắn sẽ có tổn thất, nhưng quân đội rõ ràng coi tổn thất đó là chấp nhận được”, ông Sebastian Strangio, tác giả một cuốn sách về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đánh giá. Theo tác giả này, những sự kiện gần đây ở Đông Nam Á cho thấy với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực, sự thụt lùi dân chủ ở phương Tây, Mỹ và các nước phương Tây giờ khó lên tiếng về dân chủ cũng như thiếu phương tiện kinh tế và chính trị để tạo ra một chương trình hành động chuẩn mực ở khu vực.

Phản ứng của Trung Quốc trước tình hình Myanmar không gay gắt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân gọi Myanmar là “nước láng giềng hữu nghị” và thúc giục các bên “giải quyết khác biệt một cách phù hợp”. Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Myanmar, sau Singapore. Trung Quốc cũng chiếm tới 1/3 tổng thương mại của Myanmar, gấp khoảng 10 lần của Mỹ.

Ảnh hưởng suy giảm

Ông Derek Mitchell, đại sứ đầu tiên của Mỹ sau khi Myanmar mở cửa, cho rằng Mỹ giờ không còn sức ảnh hưởng nhiều như trước đây. “Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng Rohingya kéo lùi mọi thứ khá nhiều”, ông nói.

Ông Mitchell cho rằng, Mỹ cần phối hợp nhiều hơn với các đồng minh và tôn trọng chiến thắng của Đảng NLD của bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử vừa qua. “Phương Tây từng coi bà ấy là biểu tượng toàn cầu cử dân chủ và ánh sáng đó đã tắt. Nhưng họ cần tôn trọng lựa chọn của người dân Myanmar và bà ấy rõ ràng đã được chọn. Đó không phải chuyện về cá nhân mà là về quy trình”, Bloomberg dẫn lời ông Mitchell.

Bà Suzanne DiMaggio, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện hòa bình quốc tế Carnegie, cho rằng chính quyền Biden không nên áp dụng biện pháp trừng phạt, mà nên dùng ngoại giao. “Nhanh chóng cử đặc phái viên đến Naypyidaw để triển khai chính sách đồng thuận của lưỡng đảng sẽ là bước đi phù hợp”, bà DiMaggio nói.

Khi Myanmar bắt đầu chuyển đổi sang dân chủ, ngoại trưởng Mỹ hồi đó là bà Hillary Clinton có chuyến thăm mang tính dấu ấn vào năm 2011, với lời hứa sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, nới lỏng trừng phạt và mang lại lựa chọn để nước này đỡ phải dựa vào Trung Quốc.

Nhưng Mỹ hiện nay không có nhiều thứ để mời chào. “Tuyên bố thì dễ nhưng tìm ra cách làm tiếp theo mới khó”, CNBC dẫn lời ông Murray Hiebert, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Mỹ. “Mỹ có thể làm gì thêm? Tôi đoán là có thể trừng phạt một vài công ty quân đội. Điều đó cũng không tạo ra nhiều áp lực vì hoạt động của họ đã ăn sâu vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế”, ông nói.

Chuẩn bị phương án bảo hộ công dân Việt Nam

Liên quan những diễn biến gần đây tại Myanmar, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp nạn, Bộ Ngoại giao đề nghị liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar là (+95)96.6088.8998; hoặc theo địa chỉ email: baohocongdan123@gmail.com hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao: (+84)981.848.484. Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh ở Myanmar.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/my-co-the-lam-gi-sau-dao-chinh-o-myanmar-1788424.tpo