Mỹ có phương án B hứa sẽ chặn sự ra mắt Nord Stream 2?

Washington sẽ không can thiệp vào việc hoàn thành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) của Nga, nhưng hứa sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo dự án không thể hoạt động.

Nhận định trên được đưa ra trong một nghiên cứu mới đây của hãng tin RIA. Theo đó, Mỹ có ý định gây áp lực lên Berlin, đặc biệt là trong vấn đề bồi thường cho Ukraine. Đồng thời, Hạ viện Mỹ cũng yêu cầu không chuyển trách nhiệm cho người tiêu dùng châu Âu. Lần này Mỹ đã chuẩn bị những gì đối phó với Nga và tại sao việc vận hành Nord Stream 2 sắp diễn ra lại không thể bị dừng lại.

Rút lui một bước

Mỹ đã tích cực cản trở việc xây dựng Nord Stream 2 trong vài năm qua. Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt, đe dọa và thuyết phục, nhưng cuối cùng họ cũng phải thừa nhận rằng tất cả đều vô ích. Mới đây, Washington dỡ bỏ các hạn chế đối với công ty điều hành Nord Stream 2 AG.

Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, phản bác rằng Mỹ không phải là nước đưa ra quyết định cho an ninh năng lượng tại châu Âu. (Ảnh: RIA)

Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, phản bác rằng Mỹ không phải là nước đưa ra quyết định cho an ninh năng lượng tại châu Âu. (Ảnh: RIA)

Đầu tháng 6, chiếc sà lan đặt ống Fortuna đã hoàn thành đoạn đầu tiên và bắt đầu hàn các “mối nối vàng”. Sắp tới các cơ sở của Nord Stream 2 ở Leningrad sẽ bắt đầu hoạt động ở chế độ thử nghiệm.

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã trình một báo cáo lên Quốc hội nước này về danh sách các công ty và tàu bị trừng phạt. Tài liệu khuyến nghị này liên quan đến công ty Nord Stream 2 AG, nhưng cuối cùng các biện pháp được đề xuất bị đình chỉ theo quyết định của Ngoại trưởng Antony Blinken.

Kiev ngay lập tức đáp trả động thái của Mỹ. Ukraine kêu gọi Hạ viện và Thượng viện Mỹ sử dụng mọi biện pháp để ngừng việc xây dựng đường ống, vì cho rằng Nga sử dụng năng lượng như một “công cụ chiến tranh”. Kiev cho rằng dự án này “đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của cả Ukraine và châu Âu”.

Theo người đứng đầu Cơ quan điều hành GTS Ukraine, Sergei Makogon, Nord Stream 2 sẽ tước đi 5-6 tỉ USD của nền kinh tế nước này mỗi năm, trong đó Kiev sẽ mất 1,5 tỉ USD phí trung chuyển khí đốt của Nga.

Quyết định bắt buộc

Vào cuối tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng việc từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 là vì “lợi ích quốc gia”, nhưng không được tiết lộ chi tiết. Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, trích dẫn các nguồn tin trong Bộ Ngoại giao nước này, Washington nhận ra có thể dừng dự án chỉ với cái giá phải trả là người tiêu dùng ở Đức. Điều này có thể làm suy yếu mối quan hệ với Berlin vốn đã xấu đi dưới thời tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Ông Blinken cho biết kết quả tồi tệ nhất của Nord Stream 2 đối với Mỹ sẽ là một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức.

“Trở lại cuộc chiến”

Theo ông Blinken, hiện Nhà Trắng đã sẵn sàng dốc toàn lực để làm chậm quá trình khởi động đường ống dẫn khí đốt. Ông nhấn mạnh rằng việc hoàn thành đường ống và đưa vào vận hành là hai việc khác nhau. Ngoài ra, Washington có ý định “bồi thường” cho Kiev vì tổn thất trong các khoản thanh toán quá cảnh và đảm bảo Moscow “không sử dụng khí đốt làm phương tiện gây áp lực”.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết kết quả tồi tệ nhất của Nord Stream 2 đối với Mỹ sẽ là một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức. (Ảnh: RIA)

Ông Blinken khẳng định, Đức đã ngồi vào bàn đàm phán: “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau và sẽ kiên quyết thực hiện các bước đi thực tế, các hành động cụ thể”.

Người đứng đầu Ủy ban Hạ viện về Kinh tế và Năng lượng Đức, Klaus Ernst cho hay, nước này có thể hỗ trợ Ukraine trực tiếp thay vì các khoản thanh toán gián tiếp cho việc trung chuyển khí đốt.

Theo đó, ông Blinken đang nói đến các “bước đi” nhưng không hoàn toàn rõ ràng. Các nhà phân tích nghi ngờ mạnh mẽ Washington sẽ thành công trong việc lấy được thứ gì đó từ Berlin.

Nhà báo Nga và chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov cho biết: “Có lẽ Mỹ sẽ đưa ra những nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ưu đãi và việc xây dựng các thiết bị đầu cuối để đổi lấy việc Đức không đồng ý đưa đường ống vào châu Âu”.

Tuy nhiên, Mỹ rất khó đảm bảo rằng giá LNG tương đương với giá của Nga. Nhà phân tích cho biết thêm, để giữ cho các nhà sản xuất có lãi, Mỹ sẽ phải cấp vốn cho họ từ ngân sách nhà nước, vốn đã ngày càng hạn hẹp.

Ngoài ra, còn có các phương án khác. Do đó, Washington có thể đề nghị Berlin trả một phần nợ nước ngoài vượt quá 2 nghìn tỉ USD, hoặc “gợi ý” về các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và doanh nghiệp công nghiệp của Đức.

Trong khi đó, Berlin cũng có khả năng tạo ra rào cản đối với hoạt động kinh doanh của Mỹ, và còn phải xem ai sẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc này. Nhìn chung, không có lý do gì để tin tưởng vào việc Đức từ bỏ Nord Stream 2.

Ông Klaus thu hút sự chú ý đến thực tế là việc quá cảnh qua Ukraine vẫn tiếp tục, nước này sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với Nga.

Được biết, hợp đồng ký với tập đoàn Gazprom của Nga quy định, khối lượng trung chuyển tối thiểu ở mức 65 tỉ mét khối khí đốt trong năm 2020 và 40 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024. Sau thời hạn này, hợp đồng có thể sẽ được gia hạn tới 10 năm. Tuy nhiên, sau khi khởi động Nord Stream 2 và TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow có thể không cần đến việc trung chuyển khí đốt của Ukraine.

Theo ông Putin, Nga sẵn sàng bơm thêm nhiều khí đốt qua Ukraine, nhưng Kiev đang tạo ra những trở ngại. Tổng thống Nga nhìn thấy khả năng tải hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine sau khi hoàn thành hợp đồng hiện tại, nhưng điều này “đòi hỏi thiện chí của các đối tác”.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/my-co-phuong-an-b-hua-se-chan-su-ra-mat-nord-stream-2-287623.html