Mỹ có nguy cơ mất căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương

Diego Garcia là một trong ba căn cứ quân sự hàng đầu của Mỹ trên thế giới. Với vị trí chiến lược ở trung tâm Ấn Độ Dương, Diego Garcia đóng vai trò là điểm hạ cánh quan trọng cho đội máy bay ném bom Mỹ thực hiện các nhiệm vụ trên khắp châu Á, bao gồm cả Biển Đông và có liên quan đến các nỗ lực tái hiện diện của Washington.

Tuy nhiên, một phán quyết mới đây của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) khiến Mỹ đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát căn cứ quân sự quan trọng này...

Theo CNN, Diego Garcia là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Chagos gồm 60 đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương. Diego Garcia không phải là lãnh thổ của Mỹ mà là vùng thuộc địa của thực dân Anh. Năm 1965, giữa Chiến tranh Lạnh, Chính phủ Mỹ đã ký một thỏa thuận bí mật, gây tranh cãi với Chính phủ Anh thuê một trong số 60 đảo san hô tạo nên quần đảo Chagos để xây dựng căn cứ quân sự. Thỏa thuận đó là bí mật vì Vương quốc Anh đang trong quá trình trao trả độc lập cho thuộc địa Mauritius, theo đó quần đảo Chagos cũng được độc lập.

 Diego Garcia là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Chagos nằm ở Ấn Độ Dương. Ảnh: CNN.

Diego Garcia là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Chagos nằm ở Ấn Độ Dương. Ảnh: CNN.

Nhưng Chagos không bao giờ có ngày độc lập. Thay vào đó, nó được tách ra từ Mauritius và đổi tên thành "Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh" năm 1968, một động thái mà Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc (LHQ), hồi cuối tháng 2 vừa qua đã phán quyết là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Sau phán quyết, nước Anh hiện đã được hướng dẫn để kết thúc quá trình phi thuộc địa hóa và trả lại quần đảo Chagos, nằm giữa châu Phi và Indonesia, cho Mauritius.

Phán quyết của LHQ, mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý, vẫn có khả năng gây ra một vấn đề lớn cho Mỹ, bởi ngày nay, căn cứ Diego Garcia là một trong những tài sản ở nước ngoài bí mật và quan trọng nhất của nước này. Đây là nơi đồn trú của hơn 1.000 binh sĩ, nhân viên quân sự Mỹ. Căn cứ tại Diego Garcia được sử dụng bởi hải quân, không quân Mỹ và thậm chí cả Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA vì đường băng khổng lồ của hòn đảo được dùng làm nơi hạ cánh khẩn cấp cho các tàu con thoi.

Nhiều lần Washington đã nhấn mạnh tầm quan trọng của căn cứ Diego Garcia trong hệ thống quân sự của nước này. Năm 2003, khi Mỹ và các đồng minh tiến hành cuộc tấn công Iraq, Diego Garcia trở thành nơi tập kết quan trọng của máy bay ném bom tầm xa, máy bay tuần tra và tàu chở hàng của Mỹ, đồng thời là điểm tiếp nhiên liệu và cung cấp dịch vụ hậu cần. Giai đoạn chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991 và khi Mỹ đưa quân sang tham chiến ở Afghanistan, Diego Garcia đóng vai trò là khu căn cứ quan trọng giúp Washington giám sát và kiểm soát khu vực biển Ấn Độ Dương. Từ quan điểm địa chiến lược, đảo Diego Garcia sở hữu những lợi thế không thể phủ nhận: Một đầm phá có kích thước và độ sâu đáng kể, một cảng tự nhiên tuyệt vời có thể là nơi neo đậu của tàu sân bay và cả tàu ngầm hạt nhân. Quan trọng hơn, Diego Garcia nằm ở vị trí lý tưởng trong vùng không có lốc xoáy và gần với các tuyến hàng hải quốc tế. Nơi đây cũng là một trong số ít các trạm điều hành Hệ thống định vị toàn cầu của quân đội Mỹ. Những lợi thế này đã chứng minh tầm quan trọng chiến lược của Diego Garcia.

Phán quyết của ICJ không mang tính ràng buộc pháp lý, đồng nghĩa với việc Anh có thể phớt lờ phán quyết này. Tuy nhiên Stephen Robert Allen, chuyên gia về luật pháp quốc tế liên quan đến quần đảo Chagos, cho rằng: “Sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu Anh chọn phương án làm ngơ phán quyết của tòa án. Trong khi Anh đang thúc đẩy một lộ trình hậu Brexit, việc tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ càng quan trọng hơn với nước này”.

Về phía Anh, chính phủ của Thủ tướng Theresa May hiện vẫn đang “xem xét cẩn thận” phán quyết của ICJ. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết: "Các cơ sở quốc phòng trên lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh giúp bảo vệ người dân ở Anh và trên toàn thế giới khỏi các mối đe dọa khủng bố, tội phạm có tổ chức và cướp biển". Tuy nhiên, nhiều chính trị gia có tiếng nói ở Anh, trong đó có Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập đã kêu gọi Vương quốc Anh trả lại hòn đảo cho Mauritius. Nếu điều đó xảy ra, các chuyên gia tin rằng quyền sở hữu Diego Garcia có thể được đưa ra để đàm phán và vấn đề này sẽ giúp Mauritius trở thành quốc gia có tầm quan trọng hơn xét về mặt địa chính trị.

Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm tình báo thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, phán quyết của ICJ có thể buộc Washington phải đàm phán với Mauritius về tương lai của căn cứ Diego Garcia. Ông cũng nhận định căn cứ quân sự này rất quan trọng đối với các hoạt động của Mỹ ở vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương và việc mất quyền kiểm soát nó có thể có tác động lớn, buộc Mỹ phải thay đổi hoàn toàn cơ cấu hậu cần trong khu vực.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/my-co-nguy-co-mat-can-cu-quan-su-o-an-do-duong-568481