Mỹ có hơn 70 nghìn ca mới, Thống đốc bang Oklahoma nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang Worldometers, tính đến 7 giờ sáng 16-7 (giờ Việt Nam), 13.681.365 người trên thế giới đã mắc Covid-19, trong đó 586.128 người đã tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 232 nghìn ca mắc và 5.689 ca tử vong. Riêng châu Mỹ phát hiện gần 140 nghìn ca mới.

Một góc trung tâm mua sắm tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Một góc trung tâm mua sắm tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo trang Worldometers, tính đến 7 giờ sáng 16-7 (giờ Việt Nam), 13.681.365 người trên thế giới đã mắc Covid-19, trong đó 586.128 người đã tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 232 nghìn ca mắc và 5.689 ca tử vong. Riêng châu Mỹ phát hiện gần 140 nghìn ca mới.

Sau hai ngày duy trì mức tăng 65 nghìn ca mới/ngày, Mỹ hôm quađã ghi nhận gần 71 nghìn ca mới, chiếm hơn 50% tổng số ca mới tại châu Mỹ. Trong khi đó, số ca tử vong trong ngày 15-7 của Mỹ (958 ca) chỉ đứng sau Brazil (1.261 ca).

28 bang của nước Mỹ đã chứng kiến số ca bệnh mới tính theo ngày tăng kỷ lục trong tháng này, trong khi 11 bang ghi nhận số ca tử vong tính theo ngày cao hơn trước đây.

Thống đốc bang Oklahoma Kevin Stitt thông báo, ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong một cuộc họp báo trực tuyến, Thống đốc cho biết, ông vẫn khỏe và không xuất hiện triệu chứng mắc bệnh. Ông Stitt nhiễm chủng virus mới này khi số ca lây nhiễm tại bang Oklahoma và bang Texas lân cận liên tục lập kỷ lục trong hai ngày qua.

Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết, theo kết quả xét nghiệm mới đây, ông vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Một tuần trước, ông Bolsonaro xác nhận ông đã mắc Covid-19. Tổng thống Brazil sẽ xét nghiệm lại trong một vài ngày tới.

Với hơn 3,1 triệu ca nhiễm, châu Á đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau khu vực Bắc Mỹ. Chính quyền nhiều bang tại Ấn Độ cũng quyết định tái áp đặt phong tỏa do tổng số ca nhiễm sắp chạm mốc một triệu. Bang Bangalore, trung tâm công nghệ của miền nam Ấn Độ, tái áp đặt biện pháp phong tỏa trong một tuần (từ ngày 15-7). Bang miền đông Bihar có động thái tương tự trong hai tuần.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan dịch sau khi số ca nhiễm mới tăng cao. Số người bệnh trong độ tuổi 20, 30 nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng tại Tokyo. Đáng chú ý, nhiều ca nhiễm được phát hiện tại các khu giải trí vào ban đêm, tại nơi làm việc hoặc trong gia đình.

Tại châu Âu, diễn biến dịch có phần thuyên giảm và nhiều hoạt động vui chơi giải trí đã bắt đầu được nối lại.

Tại Pháp, công viên Disneyland ở thủ đô Paris đã hoạt động trở lại để đón du khách sau bốn tháng đóng cửa. Tuy nhiên, công viên này cần thực hiện quy định nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh. Du khách tới đây cần phải đeo khẩu trang và đăng ký từ trước. Số lượng người vào công viên cũng bị hạn chế và giữ khoảng cách 1 m. Hàng trăm lọ dung dịch sát trùng tay và các điểm rửa tay được đặt rải rác trong công viên.

Bộ Ngoại giao Áo cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại đối với vùng Lombardy, khu vực từng là tâm dịch ở Italy, do số ca mắc mới đã giảm. Động thái này sẽ mở đường cho việc nối lại các chuyến bay giữa thủ phủ Milan của vùng Lombardy và thủ đô Vienna của Áo.

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Liên hiệp châu Âu (ECDC) đang đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong không khí từ các hệ thống thông gió và môi trường công sở.

Tại châu Phi, Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola tuyên bố sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân không tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng. Đây được xem là biện pháp cứng rắn nhất mà Chính phủ Nam Phi áp dụng trong bối cảnh nước này đang trở thành điểm nóng toàn cầu về dịch Covid-19. Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele cho biết cảnh sát sẽ tăng cường tuần tra nhằm kiểm soát chặt chẽ quy định đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng cũng như các biện pháp phong tỏa mà nước này áp dụng từ cuối tháng 3-2020.

Nam Phi hiện ghi nhận trung bình hơn 10 nghìn ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, nằm trong số ba nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới, sau Mỹ và Brazil.

Dưới đây là số liệu thống kê của Worldometers, tính đến 7 giờ ngày 16-7 (giờ Việt Nam):

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 3.615.991 ca mắc, 140.101 ca tử vong
2. Brazil: 1.970.909 ca mắc, 75.523 ca tử vong
3. Ấn Độ: 970.169 ca mắc, 24.929 ca tử vong
4. Nga: 746.369 ca mắc, 11.770 ca tử vong
5. Peru: 337.724 ca mắc, 12.417 ca tử vong
6. Chile: 321.205 ca mắc, 7.186 ca tử vong
7. Mexico: 311.486 ca mắc, 36.327 ca tử vong
8. Nam Phi: 311.049 ca mắc, 4.453 ca tử vong
9. Tây Ban Nha: 304.574 ca mắc, 28.413 ca tử vong
10. Anh: 291.911 ca mắc, 45.053 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 80.094 ca mắc, 3.797 ca tử vong
2. Philippines: 58.850 ca mắc, 1.614 ca tử vong
3. Singapore: 46.878 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 8.734 ca mắc, 122 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.232 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 381 ca mắc
7. Myanmar: 337 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Brunei: 141 ca mắc, 03 ca tử vong
9. Campuchia: 165 ca mắc
10. Lào: 19 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 4.227.822 ca mắc, 190.045 ca tử vong
2. Châu Á: 3.130.966 ca mắc, 73.887 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 3.049.023 ca mắc, 110.266 ca tử vong
4. Châu Âu: 2.613.809 ca mắc, 197.754 ca tử vong
5. Châu Phi: 646.869 ca mắc, 14.028 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 12.155 ca mắc, 133 ca tử vong

H.H (Theo Worldometers, Reuters, TTXVN)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/my-co-hon-70-nghin-ca-moi-thong-doc-bang-oklahoma-nhiem-virus-sars-cov-2-608798/