Mỹ có giữ vững được vị thế độc tôn về công nghệ?

Mỹ đang phô diễn sự thống trị về công nghệ với những đòn tấn công liên tiếp vào các công ty Trung Quốc; nhưng Washington không được phép ngủ quên trên chiến thắng.

(Ảnh minh họa: The New York Times)

(Ảnh minh họa: The New York Times)

“Trung Quốc đang có ý định thống trị hạ tầng kỹ thuật số của thế giới,” Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr tuyên bố. Với sự phát triển vượt bậc ở các lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, trí thông minh nhân tạo hay công nghệ viễn thông 5G, có vẻ như Trung Quốc đã trở thành một siêu cường công nghệ của thế giới.

Trên thực tế, Trung Quốc không quá áp đảo các đối thủ khác trên chiến trường công nghệ. Huawei, tập đoàn đã bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc thực hiện các hoạt động gián điệp, chính là ví dụ điển hình.

Cuộc "hành quyết" Huawei

(Ảnh minh họa: VNZ)

Huawei đại diện cho những công nghệ tối tân nhất của Trung Quốc. Không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, các mẫu điện thoại thông minh (smartphone) và thiết bị 5G của Huawei đều được khách hàng trên toàn thế giới tin dùng.

Tuy nhiên, Huawei cũng đại diện cho sự phụ thuộc quá chặt chẽ vào công nghệ Mỹ, cụ thể là công nghệ sản xuất chip. Trung Quốc không thể tự mình sản xuất hầu hết các chip tiên tiến thiết yếu. Sự phụ thuộc này chứng tỏ sức mạnh công nghệ và kinh tế phi thường của Mỹ.

Ngày 15/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành một số quy định mới, khiến các công ty trên thế giới gần như không thể bán chip máy tính của Huawei khi không được chính phủ cho phép.

Không chỉ Trung Quốc, gần như không một quốc gia nào có thể sản xuất được các loại chip tiên tiến nếu thiếu công nghệ Mỹ. Cadence Design Systems và Lam Research, các tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Mỹ, tạo ra những sản phẩm không thể thay thế. Mỹ có thể làm “đóng băng” mọi hoạt động của hầu hết các công ty công nghệ trên toàn thế giới, bằng việc cắt quyền tiếp cận với sản phẩm của những tập đoàn trên.

Trụ sở của Cadence Design Systems tại San Jose, California. (Ảnh: Wikipedia)

ASML, nhà sản xuất máy quang khắc tiên tiến nhất thế giới đến từ Hà Lan, đã ngừng bán các thiết bị hiện đại cho Trung Quốc. TSMC, một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan, cũng xác nhận sẽ ngừng sản xuất thiết bị cho Huawei sau khi các quy định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ có hiệu lực.

Huawei thừa nhận rằng nguồn cung chip của họ đã cạn kiệt. Nếu không có chip, lượng sản phẩm mà Huawei có thể sản xuất sẽ vô cùng hạn chế. Nhìn trước viễn cảnh đen tối này, một số lãnh đạo cấp cao của Huawei đã từ chức. Huawei khẳng định họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng thật khó để họ sản xuất và phát triển những công nghệ chính của mình như smartphone, thiết bị 5G, điện toán đám mây nếu không có chip của Mỹ.

Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei. (Ảnh: Reuters)

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, đang cố gắng chế tạo những con chip nhỏ tới 40 nanomet (40 phần tỷ mét) mà bằng chính công nghệ của mình. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ có thể sản xuất được những con chip với kích thước chỉ 5 nanomet. Vì vậy, con chip 40 nanomet của Trung Quốc chỉ như một chiếc điện thoại nắp gập nếu so sánh với chip của Mỹ.

Hầu như không có chuyên gia công nghệ nào kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Liên tục trong 2 năm 2018 và 2019, Bắc Kinh đã phải đầu tư hơn 300 tỷ USD để nhập khẩu chip - nhiều hơn khoản chi cho bất kỳ một sản phẩm nào khác.

“Hành quyết” Huawei là một cách để Mỹ phô trương sức mạnh về công nghệ của mình. Bất kì một vị Tổng thống Mỹ nào trong tương lai cũng có thể khiến các công ty công nghệ khác của Trung Quốc chịu chung số phận.

Mỹ có "bất khả chiến bại" trong tương lai?

Sự áp đảo mà Washington tạo ra hầu hết đến từ những thành công trong quá khứ, hơn là những triển vọng trong tương lai. Mỹ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp chip toàn cầu nhờ nhiều năm đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và đổi mới để tạo ra sản phẩm tiên tiến nhất cùng lợi nhuận khổng lồ - vũ khí hiệu quả để cạnh tranh với các cường quốc khác. Riêng đối với Huawei, chính quyền Trump đang tạo ra lợi nhuận bằng việc bán những con chip phải mất hàng thập kỷ nghiên cứu và phát triển mới sản xuất được.

Nhìn vào tương lai, vị thế của Mỹ đang suy yếu. Mỹ vẫn thống trị về thiết kế chip, nhưng đã mất vị trí dẫn đầu về sản xuất vào tay Đài Loan. Không chỉ vậy, HiSilicon, công ty con của Huawei, đã đạt được những bước tiến quan trọng trong bộ vi xử lý điện thoại thông minh, ngay cả trước những quy định mới của Mỹ.

Hơn nữa, việc vũ khí hóa chuỗi cung ứng khiến các đồng minh và đối thủ ngày càng ít phụ thuộc hơn vào công nghệ Mỹ. Các đồng minh của Mỹ như Đài Loan và Hàn Quốc đang triển khai các chương trình riêng để thúc đẩy công nghệ thiết kế và sản xuất chip. Bắc Kinh đã thành lập một quỹ trị giá 29 tỷ USD để hỗ trợ phát triển công nghệ chip trong nước. SMIC cũng huy động được 7,6 tỷ USD trong tháng 7 cho chương trình tương tự. Với những nguồn tài trợ dồi dào, công nghệ chip Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến bộ rất nhanh.

SMIC, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc. (Ảnh: Caixin Global)

Washington đã chứng tỏ rằng họ biết cách sử dụng sức mạnh về công nghệ của mình. Nhưng sử dụng và tích lũy sức mạnh là hai vấn đề khác nhau. Những đòn tấn công Huawei đạt được hiệu quả bởi các nước khác vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Nhưng hiện tại, họ đã tự phát triển được những công nghệ của riêng mình.

Mỹ không còn ở vị trí “bất khả chiến bại” như trong quá khứ. Nếu chủ quan và trượt dốc, rất có thể cuộc “hành quyết” Huawei sẽ là đỉnh cao cuối cùng mà nền công nghệ Mỹ đạt được.

Việt Khôi

Theo New York Times

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/my-co-giu-vung-duoc-vi-the-doc-ton-ve-cong-nghe-180763.html