Mỹ có dám hy sinh để tiêm kích F-22 đối đầu với S-300 của Nga ở Syria?

Khả năng Mỹ sẽ đưa tiêm kích tàng hình tối tân F-22 tới Syria để đối phó với hệ thống phòng không S-300 của Nga. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ không nên liều mình bởi hành động này có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của ngành công nghiệp vũ khí quốc gia.

Việc Nga đưa hệ thống phòng không S-300 tới Syria khiến giới truyền thông Mỹ nghi ngờ khả năng không quân nước này sẽ cho triển khai các tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tới Syria. Trong khi đó, Washington cũng đã hứa hẹn cung cấp thêm cho Israel các tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35.

Câu hỏi đặt ra là liệu các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này của Mỹ có thể qua mặt được hệ thống phòng không S-300 của Nga ở Syria. Theo giới chuyên gia, khả năng là "không thể".

Hệ thống phòng không S-300 của Nga tham gia một cuộc diễn tập năm 2016.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga tham gia một cuộc diễn tập năm 2016.

Liên quan tới hoạt động triển khai S-300 của Nga tới Syria và việc Lầu Năm Góc có thể điều động các máy bay chiến đấu F-22 và F-16CJ Viper nhằm qua mặt hoặc phá hủy hệ thống phòng không của Syria như việc Mỹ từng làm trong chiến dịch không kích ở Syria và Iraq hồi năm 2014, tờ The Drive cho rằng khả năng Mỹ “sẽ vận dụng lại chiến thuật cũ”.

Chia sẻ với Sputnik, các nhà quan sát quân sự nhận định không cần hoài nghi thêm về việc không quân Mỹ sẽ tận dụng cơ hội đưa tiêm kích F-22 thực chiến ở Syria nhất là khi có sự xuất hiện của hệ thống phòng không S-300 của Nga. Bởi F-22 vốn được thiết kế để qua mặt hoặc tiêu diệt các hệ thống phòng không hiện đại. Song Giáo sư Sergei Sudakov tại Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Nga cho rằng, F-22 sẽ không có cơ hội để hoạt động tự do ở Syria.

“Chiến lược sử dụng F-22 của Mỹ nhằm qua mặt mạng lưới phòng không Syria được thực hiện như sau: 1 hoặc vài tiêm kích F-22 tiến vào vùng radar của đối phương, bật hệ thống gây nhiễu sóng điện tử và bắt đầu phá hoại quá trình truy quét mục tiêu cùng hệ thống dẫn hướng của của đối phương. Cùng lúc đó, các chiến đấu cơ khác của Mỹ triển khai không kích nhằm tiêu diệt hệ thống radar, máy phóng tên lửa và sở chỉ huy của đối phương”, ông Sudakov nói.

“Sau khi lọt qua được hệ thống phòng không đối phương, phi đội oanh tạc cơ của Mỹ chủ động tiêu diệt các lực lượng đối phương. Do đây là những cuộc tấn công từ máy bay tàng hình, hệ thống phòng không của đối phương không có khả năng chống cự. Điều này đồng nghĩa với việc chiến dịch không kích của Mỹ hoàn toàn diễn ra suôn sẻ theo kế hoạch”, Giáo sư Sudakov nói thêm.

Cũng theo ông Sudakov, ngay cả khi các radar dưới mặt đất không thể phát hiện ra tiêm kích F-22, F-22 vẫn có thể bị nhìn thấy ngay khi bật hệ thống phá sóng điện tử radio trên máy bay. Trong hoàn cảnh này, các hệ thống kiểm soát dưới mặt đất sẽ có thể xác định được nguồn bức xạ phát ra từ máy bay và từ đó truy tìm vị trí máy bay Mỹ hoạt động đồng thời phóng tên lửa phòng không đuổi theo F-22.

Điều chắc chắn khi gặp phải tình huống này, phi công lái F-22 chỉ có thể đảm bảo được an toàn khi hoạt động gần vùng phòng không của đối phương. Nhưng với khả năng hoạt động linh hoạt, nhanh chóng di chuyển và triển khai tới một khu vực mới, hệ thống S-300 của Nga sẽ hoàn toàn phát hiện được sự xuất hiện của F-22.

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

“Việc F-22 có thể qua mặt được S-300 hay không đang là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Trong băng tần S, F-22 dường như không thể bị phát hiện. Nhưng trong băng tần VHF, F-22 lại dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công”, nhà báo quân đội Mikhail Khodaryonok, một cựu quân nhân Nga chia sẻ.

Cũng theo ông Khodaryonok, “cuộc chiến tranh luận về hoạt động của F-22 trước S-300 đang nổi lên. Tôi dám chắc cả quân đội Mỹ và Israel sẽ không dám tấn công S-300 khi các chuyên gia quân sự Nga hoạt động ở Syria với vai trò huấn luyện cho quân đội Syria. Song S-300 có thể bị phá hủy một khi hệ thống phòng không này được Nga hoàn tất chuyển giao cho quân đội Syria”, ông Khodaryonok nói.

Nhà báo Khodaryonok nói thêm, kỹ năng chiến đấu của quân đội Syria vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu tạo ra một hệ thống phòng không tầm xa hoạt động hiệu quả trên toàn lãnh thổ như năng lực của hệ thống S-300 ở căn cứ không quân Hmeymim của Nga. Điều này có nghĩa, với vai trò một nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, hệ thống S-300 của Nga có thể bị mang tiếng khi không may bị phương Tây hay Israel tiêu diệt ở Syria.

Để ngăn chặn kịch bản này có thể xảy ra, ngoài S-300, Bộ Quốc phòng Nga đã hứa cung cấp thêm cho Damascus các hệ thống nhận diện đối thủ cũng như trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ như hệ thống liên lạc chiến đấu, radar trên máy bay nhằm tiêu diệt máy bay đối phương có ý định tấn công vào những mục tiêu nằm trên lãnh thổ Syria.

Nhà quan sát quân sự Andrei Kotz thì cho rằng, Lầu Năm Góc sẽ không chỉ suy đi tính lại 2 lần mà phải là 10 lần “trước khi đưa các chiến đấu cơ hiện đại nhất mà nước này có để đối đầu với các hệ thống phòng không như S-300. Bởi việc giữ danh tiếng cho vũ khí trong thực chiến là điều vô cùng đáng giá. Do đó, Mỹ không nên để F-22 trở thành vật hy sinh gây ảnh hưởng tới toàn bộ danh tiếng ngành công nghiệp quốc phòng nước này”.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-co-dam-hy-sinh-de-tiem-kich-f22-doi-dau-voi-s300-cua-nga-o-syria-post278311.info