Mỹ có cấm được Iran xuất khẩu dầu?

Đợt đầu tiên của lệnh trừng phạt Mỹ với Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 6/8/2018 và đợt hai bắt đầu từ ngày 4/11/2018. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có cấm được Iran xuất khẩu dầu như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Ngày 12/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này đã ký kết với các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran hồi năm 2015. Đi kèm với đó, Mỹ khôi phục các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran.

Khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Trump muốn ký một thỏa thuận khác, tay đôi với nước này với mục đích tối hậu là bảo đảm rằng, Tehran không bao giờ có được vũ khí nguyên tử, bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ và xa hơn nữa là đòi hỏi Iran bớt gây rối Trung Đông, nhất là với đồng minh Israel. Thứ vũ khí mà ông Trump muốn buộc Iran phải làm theo yêu sách của ông là dầu mỏ.

Trong suốt những ngày qua, thị trường dầu mỏ thế giới lên xuống thất thường chỉ vì những tuyên bố trên Twitter của ông chủ Nhà Trắng về việc cấm toàn bộ dầu xuất khẩu của Iran. Điều này có nghĩa là bóp nghẹt nền kinh tế của Iran. Đòn đánh này của Mỹ thật là hiểm ác. Các áp lực và trừng phạt mà Hoa Kỳ thông báo ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Iran bởi vì đồng tiền nước này mất hơn phân nửa trị giá kể từ tháng 4/2018.

Ngày 1/8, các nhà lập pháp Iran ra tối hậu thư cho Tổng thống Hassan Rouhani, rằng ông có một tháng trước khi phải ra trước quốc hội để trả lời những chất vấn về cách chính phủ của ông giải quyết những khó khăn kinh tế của Iran. Đây là lần đầu tiên quốc hội triệu tập Tổng thống Rouhani, nhân vật đang bị các đối thủ theo trường phái cực đoan nhắm mục tiêu, hối thúc phải cải tổ nội các sau khi các quan hệ với Mỹ xấu đi trong khi những khó khăn kinh tế của đất nước ngày càng tăng.

Theo hãng tin bán chính thức của Iran, ISNA, các nhà lập pháp muốn chất vấn ông Rouhani về nhiều chủ đề, kể cả việc đồng rial tuột giá, tăng trưởng kinh tế yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Vũ khí đáp trả lợi hại của Tehran là eo biển địa chiến lược Ormuz. Với chiều rộng khoảng 40km, eo biển Ormuz có một vị thế chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo như báo động của ông Robert McNally trên kênh truyền hình CNBC. Đó là chưa kể Mỹ duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của hạm đội 5. Tuy một số ít chuyên gia không tin xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp, vì trong quá khứ Tehran đã từng dọa đóng cửa eo biển và việc thực hiện có thể sẽ dẫn đến một sự leo thang nguy hiểm, nhưng lời lẽ cứng rắn của Iran cho thấy rõ quyết tâm đáp trả của Tehran.

Cách nay vài ngày, thậm chí Tổng thống Hassan Rohani còn gián tiếp khẳng định là nếu Hoa Kỳ ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu, thì Tehran có thể phong tỏa eo biển Ormuz trong Vịnh Ba Tư. Giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo “nếu xuất khẩu dầu của Iran bị ngăn cấm, không một nước nào khác sẽ có thể xuất khẩu dầu mỏ”.

Giới quan sát nhận định rằng thực chất đòn tấn công Iran của Tổng thống Trump trong thời gian gần đây là để đánh lạc hướng dư luận Mỹ sau khi ông bị cả bên đảng Dân chủ đối lập lẫn đảng Cộng hòa công kích mạnh mẽ về thái độ mềm yếu của tại thượng đỉnh Helsinki với nguyên thủ Nga, Vladimir Putin.

Một nhà cựu ngoại giao Mỹ, Aaron David Miller, từng phục vụ nhiều chính quyền thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đánh giá: "Phẫn nộ vì bị chỉ trích trong quan hệ với Nga, bức xúc vì hồ sơ phi hạt nhân hóa Triều Tiên không đem lại những kết quả cụ thể, ông Trump chuyển hướng tấn công sang Iran, vừa để phô trương cơ bắp với Tehran vừa để thu hút chú ý của công luận vào một chủ đề khác".

Cũng có tiếng nói cho rằng, động thái của tổng thống Mỹ chủ yếu nhằm đánh lạc hướng công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người đang điều tra về nghi án Moskva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và sự can thiệp đó có lợi cho ứng cử viên Trump.

Bên cạnh yếu tố Nga, giới phân tích không loại trừ khả năng, cuộc khẩu chiến trên mạng Twitter giữa Mỹ và Iran nằm trong chiến lược mặc cả của ông Trump. Washington gia tăng áp lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Sau khi đơn phương rút khỏi hiệp định Vienna vào tháng 5/2018, Mỹ liên tục hù dọa các tập đoàn nước ngoài muốn giao thương với nước Cộng hòa Hồi giáo này, sử dụng lá bài dầu mỏ để bóp nghẹt kinh tế Iran gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Rohani....

Washington cùng lúc sử dụng lại một công cụ của thời Chiến tranh Lạnh, khi thông báo sẽ tăng cường một mạng lưới truyền thông bằng tiếng Ba Tư để những tiếng nói đối lập ở Iran biết rằng, nước Mỹ sát cánh với họ. Nhưng cũng các chuyên gia Mỹ không mấy tin rằng, chính quyền Trump muốn lật đổ chế độ Iran. Đây chỉ là một đòn hù dọa, tương tự như điều mà Nhà Trắng từng làm đối với Triều Tiên.

Tháng 9/2017 lần đầu phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trump từng đe dọa "xóa sổ" Triều Tiên để rồi, chưa đầy một năm sau đó, tại Singapore, cũng chính ông đã bắt tay lãnh đạo Kim Jong Un. Bất chấp hoài nghi của báo giới, tổng thống Mỹ không ngớt lời tuyên bố rằng ông rất hài lòng về những thành quả đã đạt được với lãnh đạo Bình Nhưỡng.

Ngần ấy những yếu tố liệu có thể dẫn tới kết luận rằng Tổng thống Trump sẽ dừng lại đúng lúc, tức là sẽ tránh lao vào một cuộc xung đột quân sự với Tehran? Giới phân tích nêu lên tối thiểu hai lý do cho phép lạc quan. Thứ nhất, Washington đã rút tỉa được một bài học quý giá từ sau quyết định can thiệp quân sự tại Iraq năm 2003, một cuộc chiến quá tốn kém cả về tài chính lẫn nhân mạng với những hậu quả chính trị đi kèm. Thứ hai là xung đột với Iran có nguy cơ đẩy giá dầu lên cao, tức là sẽ đánh trực tiếp vào mãi lực của người Mỹ, vốn là cử tri mà chính quyền Trump đang muốn làm chiều lòng trước mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ và kể cả trong kịch bản ông Trump ra tái tranh cử năm 2020.

Một lý do gián tiếp khác khiến ông Trump khó có thể “bóp chết” được nền kinh tế Iran. Đó là việc châu Âu, Nga và Trung Quốc cam kết ủng hộ xuất khẩu dầu của Tehran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Cam kết này của các nhà lãnh đạo ngoại giao 5 cường quốc còn lại trong thỏa thuận hạt nhân của Iran (Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh và Nga) sau khi Mỹ rút lui, là một phần trong danh sách 11 mục tiêu đạt được trong cuộc họp tại Vienna hôm 6/7/2018 nhằm cứu vãn thỏa thuận này.

Các nước châu Âu khẳng định cam kết vẫn tôn trọng thỏa thuận để cố gắng duy trì sự tuân thủ của Cộng hòa Hồi giáo Iran với việc không sở hữu vũ khí nguyên tử. Cuộc họp Vienna đã công bố danh sách 11 mục tiêu nhằm "cung cấp các giải pháp thiết thực để duy trì sự bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế với các Iran", theo tuyên bố chung của hội nghị.

Những mục tiêu này bao gồm, ngoài việc hỗ trợ xuất khẩu dầu của Iran, "duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, tiếp tục theo đuổi các hoạt động lưu thông đường biển, bộ, không và đường sắt với Iran, thúc đẩy bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả cho các doanh nghiệp, các nước buôn bán với Iran (...), khuyến khích đầu tư mới ở Iran, bảo vệ hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư và các hoạt động tài chính khác ở Iran".

Các nước bảo hộ Iran dự định sẽ làm việc bằng các giải pháp thực tế thông qua những nỗ lực song phương và sẽ họp lại một lần nữa để đánh giá tình hình.

Th.Long

Theo AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-co-cam-duoc-iran-xuat-khau-dau-510439.html