Mỹ chuyển hệ thống tấn công đa năng đến châu Âu

Lực lượng Mỹ tại Đức đã bắt đầu được trang bị hệ thống tấn công đa năng M-SHORAD - vũ khí có thể đánh chặn và diệt tăng.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Pháo Phòng không 4 (5-4 ADA), thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không và Tên lửa Lục quân 10 có trụ sở tại Đức, là đơn vị đầu tiên của Mỹ ở nước ngoài được trang bị hệ thống M-SHORAD.

Mỹ bắn thử IM-SHORAD.

Mỹ bắn thử IM-SHORAD.

Theo Defense World, Tổ hợp phòng không tầm gần này thực chất chính là chương trình xe phòng không bọc thép tác chiến IM-SHORAD được trang bị đài radar mạnh, các thiết bị tác chiến điện tử, tên lửa dẫn đường bằng radar và pháo phòng không 30mm mới nhất.

Điểm nhấn của IM-SHORAD là bệ phóng Avenger (do hãng Boeing phát triển). Bệ phóng này được thiết kế đặc biệt để vừa mang tên lửa chống tăng AGM-114 Longbow Hellfire và tên lửa đối không AIM-9X Sidewinder. Với cơ số vũ khí này, Mỹ tin rằng IM-SHORAD có thể diệt gọn từ mục tiêu kiên cố trên mặt đất lẫn mục tiêu trên không.

Các kỹ sư của hãng đã cố gắng tích hợp bệ phóng Avenger nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tầm gần của các lữ đoàn vốn được trang bị Stryker của Lục quân Mỹ, ông Kendall Linson Giám đốc bộ phận Kinh và phát triển Stryker và phương tiện chiến thuật đặc biệt của General Dynamics Land Systems cho biết.

Dù được Mỹ đánh giá rất cao nhưng một số chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để IM-SHORAD có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bởi chỉ với nền tảng của cỗ xe Stryker nhỏ bé, người Mỹ đã quá tham lam khi tích hợp lên đó tên lửa chống tăng Hellfire, tên lửa đánh chặn AIM-9X Sidewinder, pháo 30mm.

Tất cả hiện diện trên bệ chiến đấu cồng kềnh. Đây chính là lý do khiến IM-SHORAD bị nghi ngờ khó có thể phản ứng linh hoạt trước những cuộc tấn công từ vũ khí cỡ nhỏ. Trên thế giới hiện nay không một quốc gia nào có kiểu trang bị vũ khí tương tự Mỹ với hệ thống IM-SHORAD.

Ngay cả người Nga với hệ thống phòng không Pantsir-S1 cũng hoàn toàn khác với cách làm của Mỹ. Dù cùng có thể diệt được mục tiêu trên không và dưới mặt đất nhưng nền tảng để Nga triển khai Pantsir-S1 là cỗ xe tải có kích thước lớn hơn nhiều. Cùng với đó, Nga chỉ triển khai tên lửa đánh chặn và pháo bắn nhanh chứ không tham lam trang bị thêm cả tên lửa chống tăng như IM-SHORAD.

Có thể đây chính là lý do khiến Pantsir-S1 chứng minh khả năng của mình trong thực chiến trong khi IM-SHORAD dù đã bắt đầu được trang bị hiệu quả chiến đấu của nó đã bị nghi ngờ.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/my-chuyen-he-thong-tan-cong-da-nang-den-chau-au-3431205/