Mỹ chuẩn bị siêu tên lửa chạy đua lên Mặt Trăng

NASA đã bắt đầu ráp tên lửa mạnh nhất hành tinh cho tham vọng chinh phục Mặt Trăng.

Truyền thông Mỹ đưa tin, các kỹ sư NASA đang xúc tiến ghép các bộ phận của tên lửa SLS được thiết kế để đưa người trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ trong chương trình Artemis.

NASA lắp ráp "siêu tên lửa" chuẩn bị cho nhiệm vụ Mặt Trăng

NASA lắp ráp "siêu tên lửa" chuẩn bị cho nhiệm vụ Mặt Trăng

Tầng đẩy đầu tiên của Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) được đặt lên đỉnh bệ phóng di động ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida vào đầu tuần này để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên, theo thông báo hôm 24/11 của NASA.

Tổng cộng 10 bộ phận sẽ tạo thành tầng đẩy tên lửa nhiên liệu rắn trước lần đầu cất cánh, dự kiến diễn ra vào năm sau.

SLS bao gồm một tầng lõi khổng lồ, dài 65m với bốn động cơ được bao bọc bởi hai tên lửa đẩy nhiên liệu rắn. Hợp lại, chúng tạo ra một lực đẩy khổng lồ 39,1 Meganewtons có thể đưa các phi hành gia vào quỹ đạo; tên lửa sau đó "liệng" họ về phía Mặt Trăng.

Các nhóm chuyên gia tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida đã hạ thấp động cơ đẩy đầu tiên trong số 10 động cơ đẩy vào vị trí trên một cấu trúc được gọi là bệ phóng di động vào ngày 21/11. Quá trình này đang diễn ra bên trong Tòa nhà Vehicle Assembly Building (VAB) tại Kennedy.

Đồ họa về siêu tên lửa SLS

Tên lửa SLS là một tên lửa khổng lồ (megarocket), một phần quan trọng trong chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA, hướng tới đưa nữ phi hành gia đầu tiên cùng các đồng nghiệp nam lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất vào năm 2024.

Giới chức NASA cũng hy vọng có thể sử dụng SLS để bay tới sao Hỏa và nhiều điểm đến khác trong không gian sâu. Sau khi lắp ráp đầy đủ, tên lửa SLS sẽ cao hơn tượng Nữ thần Tự do với lực đẩy khi cất cánh mạnh hơn khoảng 15% so với tên lửa Saturn V dùng trong nhiệm vụ Apollo cách đây 50 năm, trở thành tên lửa mạnh nhất mà con người từng chế tạo.

Các tên lửa đẩy sẽ đốt cháy sáu tấn chất đẩy rắn mỗi giây khi SLS phóng. Chúng cung cấp 75% lực đẩy của tàu vũ trụ khi cất cánh.

Bệ phóng di động mà chúng đang được xếp chồng lên nhau là một cấu trúc nhỏ 115m được sử dụng để xử lý và lắp ráp SLS trước khi chuyển nó đến bệ phóng.

Sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh, tên lửa SLS sẽ có chiều cao cao hơn Tượng Nữ thần Tự do và có lực đẩy tối đa khi cất cánh cao hơn khoảng 15% so với tên lửa Saturn V được sử dụng để phóng các sứ mệnh Apollo lên Mặt Trăng vào những năm 1960 và 70.

Phần lõi (Core Stage) SLS khổng lồ đã được chuyển từ Louisiana đến Mississippi để thử nghiệm vào đầu năm nay.

Andrew Shroble, quản lý vận hành tổng hợp thuộc NASA nhận định: "Việc xếp bộ phận đầu tiên của tên lửa SLS lên bệ phóng di động đánh dấu cột mốc đặc biệt với chương trình Artemis. Nó cho thấy nhiệm vụ đang dần thành hình và sẽ sớm tiến tới bãi phóng".

Nhiệm vụ Artemis 1 của NASA sẽ diễn ra vào năm 2021 với hai chuyến bay thử nghiệm quanh Mặt Trăng mà không có phi hành gia. Artemis 2 sẽ phóng vào năm 2023 với phi hành gia trên tàu để chuẩn bị cho nhiệm vụ Artemis 3 là đưa người hạ cánh xuống Mặt Trăng.

Chương trình Artemis được cho là thành tựu quan trọng thúc đẩy tham vọng của Mỹ và giúp NASA dẫn đầu trong cuộc chạy đua mới nhằm chinh phục Mặt Trăng. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng không bỏ qua lĩnh vực này.

Trung Quốc đã chứng tỏ có tiến bộ trong chương trình Mặt Trăng. Tháng 1/2019, lần đầu tiên trên thế giới tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã hạ cánh ở phần tối Mặt Trăng.

Đến rạng sáng ngày 24/11, tại bãi phóng Văn Xương (Trung Quốc), tên lửa đẩy Trường Chinh 5 đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 của Trung Quốc lên Mặt Trăng. Mục đích nhằm thu thập 2kg đất đá Mặt Trăng mang về Trái Đất trước cuối năm nay.

Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) dự kiến đầu thập niên tới sẽ bắt đầu các chuyến bay đưa người lên Mặt Trăng và đến năm 2036 sẽ thành lập trạm khoa học quốc tế (ILRS) ở cực nam Mặt Trăng.

Về phía Nga, cuối tháng 5-2020, Cơ quan không gian Roscosmos tuyên bố trong năm 2020 sẽ thử nghiệm tên lửa đẩy mới Angara thay thế tên lửa cũ Proton và năm tới sẽ tiếp tục chương trình Mặt Trăng.

Roscosmos tuyên bố sẵn sàng hợp tác với dự án xây dựng trạm Mặt Trăng của Trung Quốc.

Một ứng viên nặng ký khác cho sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng là Ấn Độ. Nước này đang chuẩn bị đưa người lên Mặt Trăng.

Để mở rộng chương trình tàu không gian Gaganyaan, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã dự kiến phát triển tên lửa đẩy đủ mạnh để du hành lên Mặt Trăng. Mục tiêu này khó hoàn thành trước thập niên tới.

Ấn Độ đã vấp phải một số thất bại như trong chuyến bay Chandrayaan-2 vào tháng 7/2019, tàu thăm dò đã bị phá hủy ngay khi hạ cánh xuống Mặt Trăng.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-chuan-bi-sieu-ten-lua-chay-dua-len-mat-trang-3423323/