Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ trong tương lai

Một sự thực gây chú ý là 65 triệu USD sẽ được dùng để 'nghiên cứu phát triển đầu đạn hạt nhân mới có sức công phá nhỏ'. Lầu Năm Góc có kế hoạch lắp chúng cho tên lửa hành trình trên tàu ngầm trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh thành lập lực lượng vũ trụ. Ảnh: Cankao.

Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2019, cấp khoảng 717 tỷ USD để đảm bảo nhu cầu quốc phòng, chiếm trên 3% GDP của Mỹ. Chi tiêu quốc phòng của Nga cũng chiếm tỷ lệ tương tự trong GDP, nhưng con số tuyệt đối lại ít hơn nhiều - Tờ Nezavisimaya Gazeta Nga ngày 15/8 nhấn mạnh.
Theo bài viết, trong tình hình đồng Rúp sụt giá hiện nay, ngân sách quốc phòng của Nga năm 2018 dự tính là 42 tỷ USD. Năm 2019 Nga cũng có kế hoạch bỏ ra số tiền tương tự cho các chương trình thuộc ngân sách quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt nhấn mạnh, mức tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ là "lớn nhất trong mấy chục năm qua". Ông ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng tại căn cứ lục quân Fort Drum, bang New York, nơi đóng quân của sư đoàn miền núi số 10.
Ông Donald Trump nói: "Chúng ta (Mỹ) sẽ dùng các trang bị kỹ thuật tiên tiến và sát thương nhất để thay thế cho những xe tăng, máy bay quân sự và tàu chiến cũ. Hy vọng chúng ta có thể mạnh đến mức mãi mãi không phải sử dụng những vũ khí này. Nhưng, nếu chúng ta buộc phải làm như vậy, thì kẻ nào cũng sẽ không có cơ hội".
Ông cho biết đã hạ lệnh bắt tay vào thành lập quân chủng lớn thứ 6 - lực lượng vũ trụ, đồng thời cho biết hành động này có lợi cho "ngăn chặn các nước lớn khác triển khai vũ khí trên không gian vũ trụ".
Washington đang tăng cường các hành động có liên quan. Chẳng hạn, căn cứ vào luật mới, khoảng 4,6 tỷ USD sẽ được dùng để ngăn chặn "nguy cơ Nga tấn công châu Âu". Ngoài ra, Mỹ sẽ còn cân nhắc triển khai dồn dập hơn các cuộc tập trận ở Biển Đen trong khuôn khổ "ngăn chặn vai trò ảnh hưởng của Nga đối với khu vực", với sự tham gia của Ukraine và Georgia.

Không quân Mỹ lắp đầu đạn hạt nhân chiến thuật W80 cho tên lửa hành trình. Ảnh: Cankao.

Mỹ còn muốn tiến hành giám sát quốc tế mang tính hạn chế đối với các loại vũ khí mới của Nga, bao gồm vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập đến vào tháng 3/2018. Điều này đã gây cảnh giác cho tầng lớp lãnh đạo Nga.
Thư ký báo chí Tổng thống Nga là Dmitry Peskov cho rằng: "Mỹ xác định Nga là mối đe dọa hoàn toàn không có căn cứ. Tất cả các vũ khí mới của Nga đều phù hợp với các điều ước và tinh thần của thỏa thuận quốc tế".
Đạo luật ủy quyền quốc phòng Mỹ còn chỉ ra, văn kiện được thông qua "nhằm nâng cấp các lực lượng quân sự Mỹ". Mỹ sẽ cấp 40 tỷ USD để đổi mới không quân (trong đó 7,6 tỷ USD sẽ được dùng để mua sắm 77 máy bay chiến đấu tàng hình F-35). Ngoài ra, có 24,1 tỷ USD sẽ được đầu tư cho hiện đại hóa hải quân Mỹ - "chế tạo 13 tàu chiến và đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo những tàu chiến mới".
Mỹ dự định chi ra 24 tỷ USD để nâng cấp lực lượng hạt nhân "tam vị nhất thể", bởi vì "lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ là then chốt để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm thịnh vượng cho người dân Mỹ cùng đồng minh, đối tác trong tương lai".
Một sự thực gây chú ý là Mỹ sẽ bỏ ra 65 triệu USD để "nghiên cứu phát triển đầu đạn hạt nhân mới có sức công phá nhỏ". Lầu Năm Góc có kế hoạch lắp chúng cho tên lửa hành trình trên tàu ngầm trong tương lai. Khoản chi này hoàn toàn không có thông tin cụ thể, nhưng gây quan ngại đặc biệt cho các chuyên gia.
Chuyên gia quân sự Nga, thượng tá Shamil Gareev cho rằng: "So với toàn bộ chi tiêu quốc phòng của Mỹ, 65 triệu USD chỉ là con số nhỏ. Nhưng, việc cấp phát khoản tiền này cho thấy Lầu Năm Góc có khả năng phát triển vũ khí mới có thể tiêu diệt các cơ sở quan trọng của đối phương trong tình hình không gây ra thương vong lớn cho dân thường".
Không chỉ giới tình báo toàn cầu, giới chuyên gia quân sự cách đây không lâu cũng đã thảo luận về chương trình này. Tháng 1/2018, cựu giám đốc cao cấp phụ trách kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ là Jon Wolfsthal tiết lộ: "Chính phủ Mỹ có ý định nới lỏng hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân, phát triển đầu đạn hạt nhân mới có sức công phá nhỏ".

Tên lửa đạn đạo Trident-II D5 trang bị cho tàu ngầm hải quân Mỹ. Ảnh: Cankao.

Jon Wolfsthal cho biết Lầu Năm Góc sẽ lắp những đầu đạn này cho tên lửa đạn đạo Trident-II D5 sau cải tiến, loại tên lửa trang bị cho tàu ngầm. Đến nay, xem ra Mỹ còn sẵn sàng lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa hành trình.
Quyết định nêu trên của tầng lớp lãnh đạo quân đội, chính trị Mỹ nhằm "ngăn chặn Nga sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật trong trường hợp nổ ra xung đột ở Đông Âu".
Jon Wolfsthal chỉ ra, Lầu Năm Góc đã nới lỏng điều kiện Mỹ phát động tấn công hạt nhân đối với kẻ thù. Những điều kiện này bao gồm "tiến hành đáp trả đối với những cuộc tấn công phi hạt nhân gây ra thương vong lớn hoặc những cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự, cơ sở chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân".
Chuyên gia quân sự Nga, trung tướng Yuri Natekachev cho rằng:
"Người Mỹ dự định duy trì vị trí số 1 thế giới về quân sự. Tham vọng này không thể trách được. Huống hồ Mỹ có thực lực kinh tế để thực hiện điều này. Đối với Nga, tất cả đều khó khăn hơn. Moscow cần tìm kiếm các biện pháp phi đối xứng để ứng phó với mối đe dọa quân sự của Lầu Năm Góc".

Phong Vân /

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/my-chuan-bi-cho-chien-tranh-hat-nhan-quy-mo-nho-trong-tuong-lai-301264.html