Mỹ chưa rút một lính nào khỏi Syria?

Số binh sỹ Mỹ ở Syria vẫn tương đương với con số trước tuyên bố rút quân của Tổng thống Donald Trump hồi giữa tháng 10 vừa qua.

Theo hãng thông tấn Pháp ngày 5/11, số lượng binh sĩ Mỹ tại Syria vẫn ở mức gần 1.000 người 3 tuần sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút các lực lượng khỏi quốc gia Trung Đông này.

Theo kế hoạch, binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Syria và tạm đóng quân ở Iraq trước khi trở về Mỹ.

Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Donald Trump quyết định điều quân đội tới bảo vệ các mỏ dầu ở phía đông Deir Ezzor khỏi nguy cơ đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Lực lượng tăng viện của quân đội Mỹ đã bắt đầu tới Deir Ezzor cùng nhiều thiết bị quân sự, trong khi một số binh sĩ khác được đưa tới đông bắc Syria để hỗ trợ đảm bảo an ninh cho việc rút quân khỏi khu vực này.

Nhìn chung, số binh sỹ Mỹ ở Syria vẫn tương đương với con số trước tuyên bố rút quân của Tổng thống Donald Trump hồi giữa tháng 10 vừa qua.

"Chúng tôi vẫn duy trì gần 1.000 binh sĩ và việc rút quân... vẫn đang diễn ra", một quan chức giấu tên nói.

Quân đội Mỹ ở Syria

Quân đội Mỹ ở Syria

Giới quan sát nhận định, việc duy trì 1000 binh sĩ ở Syria cho thấy quyết tâm của Washington trong việc chiếm giữ mỏ dầu bờ đông Euphrates. Nhằm gấp rút thực hiện kế hoạch này, Mỹ đã không ngần ngại gửi một lượng vũ khí khí tài đến Syria.

Trước đó, ngày 2/11, các lực lượng Mỹ ở miền đông Syria đã bắt đầu tiến hành tuần tra tại các mỏ dầu ở đông Deir Ezzor nhằm "ngăn chặn những cuộc tấn công của IS".

Lực lượng ban đầu của Mỹ được ghi nhận gồm 30 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams giữ vai trò chủ công, yểm trợ cho đoàn xe thiết giáp MRAP tiến vào các mỏ dầu Syria.

Mỹ còn lập cầu hàng không thông qua máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III để nhanh chóng đưa hàng chục xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley tới tăng cường cho các đơn vị đang ở trên thực địa.

Tính hợp pháp của chiến dịch bảo vệ các giếng dầu ở Syria vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong Lầu Năm Góc.

Cựu đặc phái viên đặc biệt của Mỹ tại Syria, Brett McGurk đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ. Ông cho rằng, hành động khai thác dầu mỏ ở Syria là bất hợp pháp.

"Dù muốn hay không, dầu mỏ Syria thuộc về nhà nước Syria", ông Brett McGurk nói.

Một số quan chức khác cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng bác bỏ quyền tiếp cận của chính phủ Syria với các giếng dầu này, nếu các tay súng người Kurd đạt được thỏa thuận với Tổng thống Bashar al-Assad về chia sẻ lợi nhuận từ dầu mỏ.

Theo chuyên gia Nick Heras thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, Washington đã biện minh cho sự hiện diện của họ trên đất Syria là nhằm chống lại IS mặc dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad không muốn Washington làm điều đó.

Chính quyền Mỹ đang cố gắng nắm giữ nguồn tài nguyên dầu mỏ của Syria làm con tin và sử dụng chúng làm điều kiện trao đổi để buộc Tổng thống Assad và Nga chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong quá trình giải quyết cuộc xung đột Syria.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các hành động của Mỹ tại Syria vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Lavrov chỉ trích, Mỹ đã quá ngạo mạn khi đưa quân đến canh gác các mỏ dầu ở Syria, trong khi chưa biết thật ra phải bảo vệ các mỏ dầu này khỏi tay ai.

Washington nói các mỏ dầu ở Syria cần được bảo vệ khỏi sự tấn công của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chỉ là cái cớ để quân đội Mỹ quay trở lại Syria sau quyết định "hớ hênh" của Tổng thống Donald Trump.

Quân đội Mỹ bị người dân Syria xua đuổi

Lâm Phan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-chua-rut-mot-linh-nao-khoi-syria-3390845/