Mỹ chú trọng đến lợi ích và các ưu tiên cụ thể trong chính sách mới về châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 13/12, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã công bố những nét chính trong chính sách mới về châu Phi, trong đó nhấn mạnh cam kết của Washington tăng cường thương mại và hoạt động gìn giữ hòa bình tại các quốc gia ở khu vực này.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu tại Quỹ Di sản có trụ sở ở Washington, ông Bolton khẳng định quan hệ thương mại Mỹ - châu Phi phải có lợi cho cả hai phía. Theo đó, ưu tiên số 1 của Washington sẽ xoay quanh việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Phi nhằm tạo dựng các cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ sự độc lập của các quốc gia tại châu lục này song song với các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Bolton nhấn mạnh Chính phủ Mỹ sẽ không cung cấp “viện trợ dàn trải”, cũng như không hỗ trợ “các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình không hiệu quả, không thành công của Liên hợp quốc”. Quan chức Mỹ chỉ rõ nước này sẽ hướng các khoản tài trợ tới các quốc gia quan trọng và các mục tiêu chiến lược cụ thể.

Bài phát biểu của ông Bolton cũng chỉ rõ Mỹ đang triển khai sáng kiến "Châu Phi phồn vinh" (Prosper Africa) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào châu lục này và tầng lớp người dân có thu nhập trung bình đang tăng tại châu Phi. Tuy nhiên, ông Bolton không nêu chi tiết. Trong hai thập kỷ qua, Mỹ đã cung cấp hơn 16 tỷ USD viện trợ cho châu Phi.

Cố vấn Bolton cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS), Al Qaeda và các chân rết khủng bố trên lục địa Đen.

Tuyên bố trên đã cho thấy chủ trương gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại châu Phi. Trước đó, Quốc hội Mỹ thông qua "Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD), vốn được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo quy định của Đạo luật BUILD, Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỷ USD, gấp đôi ngân sách hiện tại của OPIC. Đặc biệt, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư – thẩm quyền mới trước đó chưa được giao cho OPIC. Bên cạnh đó, giới lập pháp Mỹ cũng đã gia hạn "Đạo luật An ninh lương thực toàn cầu" (GFS), được thông qua lần đầu tiên vào năm 2016. Luật GFS đóng vai trò hỗ trợ chương trình Nuôi dưỡng tương lai dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) và là chiến lược toàn diện của Chính phủ Mỹ nhằm chống đói nghèo và suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển.

Đình Lượng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/my-chu-trong-den-loi-ich-va-cac-uu-tien-cu-the-trong-chinh-sach-moi-ve-chau-phi-20181214110948018.htm