Mỹ chọn tên lửa chống tăng Israel cho trực thăng tấn công

Lục quân Mỹ vừa quyết định trang bị tên lửa chống tăng Spike NLOS của Israel cho các phi đội trực thăng tấn công trong biên chế, trong đó nổi danh là máy bay AH-64E Apache Guardian.

Trước đó, lực lượng này đã tiến hành chương trình thử nghiệm nhằm đánh giá về sự tương thích của tên lửa Spike NLOS, do Tập đoàn quốc phòng Rafael của Israel sản xuất, với trực thăng tấn công AH-64E Apache Guardian.

Theo tướng Wally Rugen, Giám đốc Dự án hiện đại hóa lực lượng không quân của Lục quân Mỹ, nhiều bài bắn đạn thật từ máy bay AH-64E Apache Guardian của dòng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) này đã được thực hiện thành công ở cả Israel và Mỹ.

 Trực thăng AH-64E Apache Guardian của Lục quân Mỹ. Ảnh: DefPost.

Trực thăng AH-64E Apache Guardian của Lục quân Mỹ. Ảnh: DefPost.

Mặc dù ông Rugen không tiết lộ số lượng tên lửa Spike NLOS mà Lầu Năm Góc sẽ mua cũng như địa điểm triển khai, nhưng đây có thể sẽ là một hợp đồng giá trị lớn giữa hai bên.

Hiện nay, máy bay AH-64 Apache nói riêng và các loại trực thăng khác của Lục quân Mỹ đang khai thác tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire với tầm bắn khoảng 12km. Tuy nhiên, Mỹ luôn muốn có loại tên lửa chống tăng mới có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn.

Ưu điểm của việc nâng tầm bắn các mục tiêu như xe tăng, hầm ngầm cỡ nhỏ, binh sĩ đối phương của trực thăng tấn công là tăng yếu tố bất ngờ cũng như khả năng sống sót của trực thăng và phi hành đoàn.

Tên lửa Spike NLOS. Ảnh: Rafael.

Dòng tên lửa Spike với các phiên bản khác nhau được biết tới là thế hệ tên lửa chống tăng thứ 3 tiên tiến trên thế giới. Nhờ hệ thống đầu dò quang điện hiện đại, các biến thể của tên lửa Spike có tầm bắn từ 50m tới 25km (vũ khí chống tăng có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới hiện nay) trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.

Điểm mạnh của dòng tên lửa này là khả năng “bắn và quên” (ngay sau khi khai hỏa, xạ thủ có thể thoát ly và đạn tên lửa sẽ tự dẫn tới mục tiêu) và tấn công đột nóc, nơi được bọc giáp kém nhất của các phương tiện chiến đấu để tối ưu khả năng tiêu diệt mục tiêu.

Các phiên bản của tên lửa Spike. Ảnh: Rafael.

Trong đó, Spike NLOS (Non Line Of Sight) là phiên bản mới nhất và có trọng lượng lớn nhất (71kg) của dòng tên lửa Spike. Tên lửa có 2 chế độ tiến công gồm tiến công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc tiến công mục tiêu nhờ xác định vị trí tọa độ sau khi đã được phóng lên (đối với mục tiêu bị che khuất hoặc ở xa).

Với từng nhiệm vụ khác nhau, tên lửa sẽ được lắp các kiểu đầu nổ khác nhau như xuyên lõm tandem (2 lượng nổ, xếp trước-sau), nổ mảnh, xuyên-nổ… Nhờ được dẫn bắn bởi máy bay không người lái hoặc vệ tinh, tên lửa cho độ chính xác rất cao.

Clip giới thiệu về các phiên bản của tên lửa Spike. Nguồn: Rafael.

Ngoài xe tăng, xe bọc thép, tên lửa Spike NLOS còn có thể tiêu diệt bộ binh và các công trình kiên cố trên mặt đất hay đóng vai trò chống hạm.

Từ năm 2016 đã xuất hiện thông tin về việc quân đội Israel tích hợp thành công tên lửa Spike NLOS lên các đơn vị trực thăng tấn công AH-64 Apache và đã được xác minh thực chiến tại Syria.

HỮU ĐÔ (theo The Jerusalem Post)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-chon-ten-lua-chong-tang-israel-cho-truc-thang-tan-cong-607669