Mỹ chơi lộn sân: Biển Barents dậy sóng, Nga tiễn khách!

Chỉ có sức mạnh mới giải quyết mâu thuẫn giữa 'quy tắc hàng hải NSR' của Nga với 'tự do hàng hải' kiểu Mỹ…

Một cuộc đối đầu bí ẩn đã xảy ra giữa Nga và Mỹ-NATO tại biển Barents từ ngày 4/5 đến ngày 7/5. Nói là bí ẩn bởi tin tức được kịp thời đưa lên, nhưng chỉ đến lúc này các nhà quan sát mới có dữ liệu để phân tích, bình luận…

Mỹ mạo hiểm chơi trên sân nhà của Nga

Ngày 1/5, Mỹ gửi đến Nga một thông báo “để tránh những quan niệm sai lầm, giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn sự leo thang vô tình”, rằng, Hải quân Mỹ-NATO sẽ tiến hành diễn tập từ ngày 4/5 đến giữa tháng 5 ở Biển Barents gồm ba tàu khu trục: USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt của Mỹ với 1 tàu khu trục Hoàng gia Hoàng gia HMS Kent.

Mục tiêu cuộc diễn tập, Bộ tư lệnh Hạm đội 6 Hoa Kỳ không cần úp mỡ là Biển Barents và “duy trì tự do hàng hải” (FONOP) trên tuyến biển Bắc (NSR).

Vào 7 giờ sáng (giờ Matxcova) ngày 4/5, đoàn tàu đã đến Biển Barents từ phía Tây (không đi trên tuyến NSR) và “diễn tập” tại khu vực Biển Barents cách quân cảng của Hạm đội Biển Bắc Nga là Murmansk không xa.

Lưu ý: Đây là khu vực Biển Barents vốn trước kia của Nga nhưng không rõ lý do gì, cựu Tổng thống Nga Medvedev đã biếu không cho Na Uy hơn 170.000 km2 trên biển và thềm lục địa trong thỏa thuận phân định biên giới có hiệu lực từ 7/7/2011. Trong cuộc họp báo tại Murmansk với Thủ tướng Na Uy Stoltenberg, vị cựu Tổng thống Nga Medvedev nói: “Việc ký kết thỏa thuận phân định biển sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc tăng cường an ninh quốc tế và khu vực, và tăng cường tương tác giữa các quốc gia Bắc Cực”.

Nhưng thật mỉa mai, 9 năm sau, khu vực này lại trở thành nơi xuất phát của các tàu chiến Mỹ-NATO nhằm vào phía Bắc Nga, đe dọa nghiêm trọng an ninh Nga…Truyền thông Nga đang tự hỏi và truy vấn không biết họ đánh đổi 170.000 km2 biển để có được “tình bạn” kiểu gì với Na Uy và ai chịu trách nhiệm trong vụ này…

Thực tế là sau khi Nga đề ra quy tắc hàng hải trên tuyển Biển Bắc NSR thì Mỹ đã coi đó là “yêu sách quá mức” và đã hùng hổ chuẩn bị tổ chức một cuộc tập trận tại Bắc Cực mang tên “Tự do hàng hải” để thị uy, khiêu khích Nga.

Trước diễn biến đó, Người Nga đã cười thầm “Bắc Cực không phải là thảo nguyên để các chàng cao bồi Mỹ súng colt sệ hông nhảy nhót”, còn người Mỹ, Đô đốc Paul Zukunft, Tư lệnh Cảnh sát biển Hoa Kỳ tư vấn: “OK! Nhưng bạn đã làm xong “hợp đồng cứu hộ” với người Nga chưa!?” Hải quân Mỹ chưa làm hợp đồng này nên kế hoạch phải dừng lại.

Bây giờ, vào tháng 5, băng đã tan và không hành quân trên NSR nên 4 khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình Tomahaks, tên lửa đánh chặn SM-2, SM-3 sử dụng chung ống phóng thẳng đứng Mk41 được tích hợp vào hệ thống điều khiển chiến đấu Aegis. Ngầm dưới biển chắc chắn không thể thiếu một hạm đội ngầm tham gia tác chiến. Tất cả đang hùng hổ tiến vào Biển Barents – sân sau của Nga, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Bắc mạnh nhất Hải quân Nga.

Có thể nói, sau hơn 30 năm, đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ-NATO (chỉ Mỹ và Anh, còn Na Uy từ chối tham gia vì tránh khiêu khích Nga) xuất hiện tại Biển Barents – khu vực được coi như là “bức màn sắt” của hệ thống phòng thủ Nga ở biên giới phía Bắc. Do vậy, bản lĩnh của người Mỹ-Anh cũng không phải là dạng vừa. Mỹ muốn chứng minh cho thế giới thấy, Hải quân Mỹ vẫn luôn có mặt trên khắp các đại dương vì “tự do hàng hải”.

Sai lầm của Mỹ trong cuộc diễn tập tại Biển Barents…

Muốn làm chủ vùng biển Bắc Cực và “tự do hàng hải” kiểu Mỹ, thì đương nhiên phải có sức mạnh. Nga có sức mạnh nhưng Mỹ thì không. Do đó, đối đầu nhau tại khu vực Biển Bắc Cực, hay nói cách khác là Mỹ kéo quân đến khu vực mà đối phương mạnh hơn, chiếm ưu thế tuyệt đối để chiến đấu là ngốc chứ không phải là sai lầm.

Thực tế, trong một môi trường thù địch khắc nghiệt như vậy ở Bắc Cực, tàu chiến không phải là cách duy nhất để bất kỳ quốc gia nào có thể tuyên bố vị thế quốc gia của mình một cách hiệu quả. Chứng minh sức mạnh ở Bắc Cực không nằm trong các nhóm chiến đấu và hệ thống vũ khí…mà là sự có mặt của một đội cứu hộ và cứu hộ.

Nga có hơn 54 tàu phá băng lớn nhỏ hiện đại đang hoạt động, Mỹ chỉ có 2, trong đó một đang đại tu. (Đó là lý do hài hước về hợp đồng cứu hộ với Nga của Hải quân Mỹ muốn tập trận đe dọa Nga trên NSR). Không có tàu phá băng, không có hệ thống an toàn hàng hải thì đừng có mơ tưởng hành trình trên NSR.

Tiếp theo, Nga đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để hoàn thành một hệ thống phòng thủ tạo ra một bức màn sắt gồm: Các căn cứ quân sự cho không quân, hải quân; hệ thống tác chiến điện tử (EW); hệ thống tên lửa bờ (Bastion-P); hệ thống phòng không S-400…nói chung tất cả những vũ khí, phương tiện hiện đại nhất của Nga đều có mặt tại phía Bắc Nga.

Địa lý Mỹ không cho phép Mỹ bố trí lực lượng như Nga, còn muốn đuổi kịp sức mạnh Nga như hiện nay, Mỹ cần 15 năm – theo đánh giá của người Mỹ. Tất nhiên, Mỹ - Anh quá hiểu sự chênh lệch sức mạnh đó, nhưng mục tiêu của Mỹ là khiêu khích, thách thức Nga. Tuy vậy, thất đáng tiếc, cuộc diễn tập của 4 khu trục hạm Mỹ-Anh chỉ quảng bá sức mạnh cho Nga…

Khiêu khích, thách thức một kẻ mạnh tại một chiến trường mình không có lợi thế và sức mạnh với kết quả chỉ để quảng bá sức mạnh cho đối thủ là một sai lầm trong cuộc diễn tập vừa qua của Hải quân Mỹ-Anh.

Phản ứng lạnh của Nga…

Như đã nói, Biển Barents là khu vực an ninh sống còn của Liên bang Nga. Hơn 30 năm nay, chưa có một đội tàu chiến nào công khai đến diễn tập thách thức trước mặt hạm đội Biển Bắc Nga. Thế nhưng Mỹ-Anh vẫn điều 4 khu trục hạm hiện đại cùng tàu ngầm đến để “khua gươm”…

Sẽ không ngạc nhiên nếu như Nga phản đối quyết liệt và hành động ngăn chặn kiên quyết như các lần tại Biển Đen hay như phản ứng của Trung Quốc với Mỹ trên Biển Đông chặn tàu Mỹ, cắt mặt tạo ra nguy hiểm hàng hải, tố cáo ngoại giao…nhưng trong sự kiện này, Nga chơi kiểu khác khiến Mỹ, Trung Quốc…không ngờ.

Bốn khu trục hạm Mỹ-Anh vào đến Biển Barents 7 giờ sáng ngày 4/5 cho đến ngày 7/5, Nga không có một hành động ngăn chặn gì. Mỹ đoán có lẽ Nga đã “biết điều”, nhưng Mỹ chỉ biết điều này sau đó là toàn bộ hệ thống phòng thủ, tấn công của Nga như hệ thống EW, radar, Bastion…xây dựng ở Biển Bắc cũng đồng nghĩa với hơn 30 năm nay chưa có “quân xanh” đúng tầm để thử thách.

Đặc biệt, theo nhận định của The National Interest (Mỹ), trong chuyến “diễu võ” của Mỹ-Anh lần này tàu ngầm đi theo của hạm đội đã trở thành quân xanh để Nga hoàn thiện chiến thuật chống ngầm được phát triển vào năm ngoái.

Vì vậy, sau 3 ngày “rửa mắt” nhìn rõ từ chân đến đầu, từ trong tới ngoài mà không tốn một rub, Nga quyết định “tiễn khách” bằng hành động rất “máu lạnh”…

Nga tuyên bố đóng cửa Biển Barents cho hàng hải và hàng không, tiến hành tập trận bắn đạn thật với một lực lượng rất đáng gờm cho hạm đội Mỹ-Anh tại đây…

Nga đã tung ra 3 tàu săn ngầm Dự án Albatros 1124M và máy bay săn ngầm IL-38 nhằm mục tiêu “tiến hành một cuộc thử nghiệm chiến thuật về tìm kiếm và phá hủy tàu ngầm đối phương có điều kiện” (thực hành luôn chiến thuật chống ngầm).

Đối đầu với 4 tàu khu trục của Mỹ-Anh, Nga điều động tàu Tuần dương tên lửa Nguyên soái Ustinov 1164 thuộc diện hùng mạnh nhất Hạm đội Biển Bắc của Nga vào vị trí bắn.

Điện Kremlin “tiễn khách” theo một tinh thần đã tuyên bố “nếu cuộc diễn tập của Mỹ-Anh đe dọa lãnh hải và an ninh Nga thì ngay lập tức Nga sẽ đánh chìm toàn bộ hạm đội”.

Đến lúc này, Mỹ-Anh buộc phải rời đi, bởi hiểu rằng, Biển Barents là tử địa và Nga không phải là Trung Quốc.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-choi-lon-san-bien-barents-day-song-nga-tien-khach-3403247/