Mỹ cho cần cẩu nghiền nát 'chim ưng đêm tàng hình' F-117

Loạt ảnh về chiến cơ ném bom tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ bị cần cẩu phá hủy sau khi nghỉ hưu. Được biết đây là loại chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động.

 F-117 từng là niềm tự hào của không quân Mỹ khi nó là tiêm kích tàng hình đầu tiên trên thế giới được sản xuất loạt và hoạt động.

F-117 từng là niềm tự hào của không quân Mỹ khi nó là tiêm kích tàng hình đầu tiên trên thế giới được sản xuất loạt và hoạt động.

Tuy nhiên sau khi nghỉ hưu, một số chiếc đã bị phá hủy.

Cảnh tượng phá hủy này không khỏi khiến người ta xót xa về loại chiến đấu cơ từng là nỗi khiếp sợ cho phòng không đối phương.

F-117 bị chiếc cần cẩu lớn bổ xuống phá nát.

Vì là những vũ khí thuộc loại tối mật nên quá trình phá hủy loại máy bay này được giám sát đặc biệt để khỏi bị lọt công nghệ vào tay đối phương.

Tấm bạt cực lớn được trải ra để đảm bảo rằng không sót một chi tiết nào dù là nhỏ nhất bị thất lạc.

Sau khi phá hủy thành từng mảnh nhỏ, chúng sẽ được phân loại, một số tái chế, số khác bị tiêu hủy.

Nhìn hình ảnh này không ai nghĩ rằng đó từng là loại máy bay tối mật của Mỹ.

Lockheed F-117A 'Chim ưng đêm' tên hiệu "Hạt huyền" hoặc "bóng ma đêm" là chiếc máy bay được thiết kế hoàn toàn theo công nghệ tàng hình có thể sử dụng đầu tiên trên thế giới.

Từng là biểu tượng nhưng cũng đầy bí ẩn của không quân Mỹ, F-117A là máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng không đương thời.

Kể từ khi ra đời, máy bay tàng hình F-117A từng là nỗi khiếp sợ cho hệ thống phòng không đối phương.

F-117 được thiết kế dùng cho những nhiệm vụ đặc biệt trong giai đoạn đầu chiến tranh như: bắn phá các mục tiêu sở chỉ huy, trung tâm thông tin, trận địa phòng không, kho tàng vũ khí đặc biệt, sân bay, các cơ quan đầu não của đối phương.

Chiến đấu cơ F-117 ra đời năm 1981 tạo ra cuộc cách mạng chế tạo máy bay, mở ra kỷ nguyên tàng hình của chiến đấu cơ trên khắp thế giới.

F-117A đã nhiều lần thực chiến trong các chiến dịch của Mỹ.

Với thiết kế khí động học quái dị với các mặt cắt kim cương nhằm làm tán xạ sóng radar, từ đó giúp F-117A khó bị phát hiện hơn bằng các biện pháp trinh sát điện từ.

F-117 tham chiến lần đầu trong cuộc chiến ở Panama năm 1989. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chiến đấu cơ tàng hình này đã thực hiện khoảng 1.300 phi vụ không kích.

F-117A tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong của mình trong chiến tranh Kosovo năm 1999 và chiến dịch tự do bền vững 2003.

Tuy thể hiện tốt vai trò của mình trong việc ném những trái bom thông minh phá hủy trận địa phòng không đối phương, chúng cũng gặp thiệt hại khi một chiếc đã bị lực lượng phòng không Nam Tư bắn hạ.

Tháng 10-2006, không quân Mỹ đã cho nghỉ hưu toàn bộ máy bay này, tuy nhiên gần đây những hình ảnh chụp tại một căn cứ quân sự cho thấy sự xuất hiện trở lại của loại máy bay từng một thời làm mưa làm gió này.

Các hình ảnh mới nhất cho thấy tiêm kích tàng hình F-117A Nighthawk đã được phát hiện đang "lang thang" trên bầu trời tại khu vực bí mật Tonopah, Nevada, Mỹ.

Những lần cất cánh trước đó của F-117 là hồi cuối tháng 9/2014, cuối năm 2017, hai lần năm 2018. Tất cả đều được phát hiện tại thao trường Tonopah (nằm trong Vườn quốc gia ở Death còn được gọi là vườn quốc gia thung lũng Chết) thuộc bang Navada.

Thậm chí có thông tin cho biết loại máy bay này còn trực tiếp tham chiến tại Syria để qua mặt phòng không S-400.

Như vậy sau khi phá hủy một số chiếc, Mỹ vẫn còn giữ lại phần lớn máy bay F-117 để sử dụng khi cần thiết.

Ngay khi hình ảnh chiếc F-117 bay trở lại được đăng tải, nhiều chuyên gia đã cho rằng, có thể một vài chiếc F-117 được giữ lại để thử nghiệm công nghệ: hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại; radar; khẩu đội tên lửa đất đối không; máy bay chiến đấu thế hệ 6; nền tảng máy bay cảnh báo sớm hoặc UCAV.

Cũng có một số chuyên gia phỏng đoán chiếc F-117 đã được cải tiến thành máy bay tấn công không người lái.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, sau khi nâng cấp hệ thống điện tử, F-117 vẫn có khả năng chiến đấu để chống lại các hệ thống phòng không ngày càng dày đặc trên các chiến trường hiện nay.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-cho-can-cau-nghien-nat-chim-ung-dem-tang-hinh-f117/802399.antd