Hàng loạt vụ án liên quan đến sai phạm về đấu giá

Thông đồng trong đấu giá, gây thất thoát tài sản để trục lợi đang là vấn đề nóng hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường giám sát của các cơ quan quản lý, công khai minh bạch trong quy trình thực hiện bán đấu giá.

Hàng loạt vụ án liên quan đến sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc. Hậu quả từ những cuộc đấu giá này là ngân sách Nhà nước bị thất thoát những khoản khổng lồ. Thực tế này cho thấy, còn nhiều lỗ hổng trong hoạt động bán đấu giá tài sản công, cần phải sửa đổi, giám sát chặt chẽ.

Bà Nguyễn Thị Loan - Ảnh: Website Vietpharm.

Bà Nguyễn Thị Loan - Ảnh: Website Vietpharm.

Ngày 9/11 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex cùng 7 nghi phạm để điều tra về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản". Theo cơ quan điều tra, tháng 8/2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương.

Ban đầu công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị khoảng 500 tỷ đồng. Các bị can thông đồng với nhau lập khống 12 phiếu khảo sát đưa vào hồ sơ thẩm định và hạ giá trị khu đất còn xuống 300 tỷ đồng. Nguyễn Thị Loan lập nhiều công ty làm “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá khu đất này. Trong đó, 1 công ty trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Chỉ sau một tháng, công ty này bán lại với giá từ 80 triệu đồng đến cả trăm triệu một mét vuông tùy vị trí. Hành vi của các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, để tránh việc khiếu kiện và tránh việc “quân xanh, quân đỏ” thì việc kiểm tra, giám sát tại cuộc đấu giá phải đặc biệt quan tâm.

“Lãnh đạo huyện trực tiếp dự các phiên đấu giá này. Khi tổ chức phát phiếu và kiểm phiếu đều có đơn vị kiểm tra, giám sát để tổ chức thực hiện các bước tránh tình trạng trong phòng đấu giá, các khách hàng lại trao đổi rồi có những cuộc điện thoại. Nghiêm khắc ngay từ lúc tổ chức thực hiện và nếu như phát hiện ra trong quá trình làm việc có gì chưa đúng thì lãnh đạo chỉ đạo luôn ”- ông Nguyễn Văn Nam nói.

Đấu giá là một hình thức bán tài sản công khai, càng nhiều người mua thì tài sản bán được giá càng cao. Đấu giá như một phiên chợ mà bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể tham gia mua tài sản. Điều 38 Luật đấu giá 2016 quy định, cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư TP.HCM, trong thực tế, việc phải trực tiếp mua hồ sơ hợp lệ do cơ quan đấu giá phát hành là điều không đơn giản.

Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM – Trung ương Hội luật gia Việt Nam. Ảnh: Công an TP.HCM

Theo luật sư Trần Đình Dũng, chúng ta hiện nay đã thực hiện các giao dịch hành chính trực tuyến, điện tử nhưng trong đấu giá lại buộc phải mua hồ sơ giấy rồi về điền thông tin vào và nộp lại. Đây chính là rào cản khiến các nhà đầu tư khó tiếp cận với hồ sơ đấu giá. Ở một số nước tiên tiến, thủ tục đấu giá rất đơn giản. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu mua tài sản đấu giá, chỉ cần liên lạc qua điện thoại hay email và đặt một số tiền là đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong các phiên đấu giá tài sản công nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định quá lớn, trong khi đó lại không có quy định nào về hậu kiểm kết quả thẩm định.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, đây chính là một trong những lý do dẫn tới các sai phạm trong nhiều vụ án về đấu giá thời gian qua. Cụ thể, quyền đấy phải gắn liền với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, độc lập, khách quan hay không. Làm sao cho đúng đắn với quy định của pháp luật cần phải có kiểm toán. Để khách quan, tốt nhất là để đơn vị kiểm toán vào hậu kiểm tất cả kết quả mà doanh nghiệp thẩm định giá đã làm, phục vụ cho công tác đấu thầu và một số những hoạt động mua sắm tài sản từ Ngân sách nhà nước.

Thông đồng trong đấu giá, gây thất thoát tài sản để trục lợi đang là vấn đề nóng hiện nay. Để giải quyết vấn đề này cần phải tăng cường giám sát của các cơ quan quản lý, công khai minh bạch trong quy trình thực hiện bán đấu giá và có chế tài mạnh trong xử lý vi phạm để đảm việc thực thi pháp luật hiệu quả, nghiêm minh, góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.

Quang Chính/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/hang-loat-vu-an-lien-quan-den-sai-pham-ve-dau-gia-907688.vov