Mỹ chính thức điều tra về vụ tai nạn liên quan tới Boeing 737 MAX

Thanh tra của Bộ Giao thông Mỹ hôm 18/3 đã chính thức mở cuộc điều tra liên quan tới vụ tai nạn của mẫu máy bay Boeing 737 MAX. Đây là mẫu máy bay đã được phê duyệt bởi Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA), nhưng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm đã dính tới 2 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng.

Boeing 737 MAX 8 của Hãng American Airlines đang tạm dừng hoạt động. (NguồN: AP).

Boeing 737 MAX 8 của Hãng American Airlines đang tạm dừng hoạt động. (NguồN: AP).

Mở cuộc điều tra

Thông tin về cuộc điều tra trên được tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng tải, trong bối cảnh hàng loạt máy bay Boeing 737 MAX bị các hãng hàng không trên thế giới đồng loạt “tẩy chay” sau 2 vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng liên quan tới mẫu máy bay này.

Được biết, cuộc điều tra sẽ tập trung vào một hệ thống an toàn tự động lắp đặt trên mẫu máy bay 737 MAX, từng được chỉ ra như một vấn đề trong vụ tai nạn của Hãng hàng không Lion Air ở Indonesia hồi tháng 10 năm ngoái - WSJ dẫn một nguồn tin Chính phủ Mỹ cho hay.

Hiện vẫn chưa rõ, liệu chuyến bay của Hãng hàng không Ethiopia Airlines gặp nạn cách đây 1 tuần lễ có lọt vào tầm điều tra hay không.

FAA cho hay, Bộ Giao thông sẽ chịu trách nhiệm đưa ra các câu trả lời liên quan tới cuộc điều tra này, chứ không phải họ. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra mới đây, FAA cho hay “các quy trình phê chuẩn các mẫu máy bay của chúng tôi luôn có hiệu quả, chính xác, và luôn đảm bảo về các mẫu thiết kế máy bay an toàn”.

Cả 2 vụ tai nạn nêu trên, xảy ra chỉ cách nhau có 5 tháng, vẫn đang bị điều tra bởi Chính phủ Indonesia và Chính phủ Ethiopia, với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và Hãng Boeing. Hôm đầu tuần này, Bộ trưởng Giao thông Ethiopia nói rằng dữ liệu sơ bộ mà họ thu được từ các hộp đen máy bay cho thấy “nhiều điểm tương đồng” giữa 2 vụ tai nạn.

Trước đó, một bản báo cáo về vụ tai nạn của Hãng Lion Air cũng chỉ ra rằng, các phi công đã gặp khó khăn với hệ thống an toàn tự động, còn gọi là MCAS, trong lúc điều khiển máy bay.

Hãng Boeing trong hôm đầu tuần đã tuyên bố rằng họ đang hợp tác chặt chẽ với FAA để hoàn tất một phần mềm nâng cấp cho hệ thống MCAS, giúp các mẫu máy bay của Hãng này an toàn hơn. Công ty này cũng công bố kế hoạch sẽ hoàn thiện phần mềm nâng cấp ngay trong tháng Tư tới.

Nhiều điểm tương đồng giữa 2 vụ tai nạn

Ông Dagmawit Moges- Bộ trưởng Giao thông Ethiopia, cho hay các nhà điều tra hiện đã thu thập được tất cả dữ liệu từ các hộp đen máy bay vừa gặp nạn. Tuy nhiên, vị quan chức không nêu thêm chi tiết về cái mà ông cho là “những điểm tương đồng” giữa 2 vụ tai nạn, chỉ nói rằng chi tiết này sẽ là “tâm điểm các cuộc điều tra sâu rộng”.

Chuyến bay mang số hiệu 302 của Ethiopia Airlines đã gặp nạn hôm 10/3, chỉ 6 phút sau khi cất cánh, khiến tất cả 157 người trên khoang thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không thứ hai liên quan tới mẫu máy bay Boeing 737 MAX 8 mới chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng.

Trước đó, tháng 10 năm ngoái, tất cả 189 người đi trên chuyến bay 610 của Lion Air cũng thiệt mạng khi chiếc Boeing 737 MAX 8 lao xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Nhiều điểm tương đồng giữa hai vụ tai nạn - đang được điều tra - khiến cho nhiều cơ quan hàng không trên khắp thế giới đưa ra lệnh cấm sử dụng mẫu Boeing 737 MAX 8. Giới điều tra ngờ rằng, vụ tai nạn của Lion Air có nguyên nhân do một bộ cảm ứng bên ngoài máy bay phát đi dữ liệu không chính xác, khiến cho phần mềm hệ thống an toàn MCAS buộc phần mũi máy bay chúc xuống đất.

Theo báo cáo ban đầu về vụ tai nạn, các phi công trên máy bay lúc đầu cố gắng sửa lỗi “máy bay tự động chúc mũi xuống” trong 2 phút sau khi cất cánh và lặp đi lặp lại thao tác này trước khi chiếc máy bay đâm xuống biển Java.

Sau tuyên bố mà Bộ Giao thông Ethiopia phát đi, Chủ tịch Hãng Boeing Dennis Muilenburg cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng Công ty này “tiếp tục hỗ trợ cuộc điều tra, và đang hợp tác với chính quyền các nước để đánh giá thông tin mới nếu có”.

Trước đó, Giám đốc điều hành Hãng Ethiopia Airlines Tewolde GebreMarriam cũng nói rằng, phi công trên chuyến bay 302 của họ “gặp vấn đề về điều khiển” ngay trước khi máy bay gặp nạn. “Ông ấy gặp khó khăn trong việc điều khiển máy bay nên đã đề nghị trở lại mặt đất”- ông GebreMariam nói.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/my-chinh-thuc-dieu-tra-ve-vu-tai-nan-lien-quan-toi-boeing-737-max-tintuc432337