Mỹ chia sẻ cho Nhật Bản công nghệ tối mật của tiêm kích F-22

Nhà thầu quân sự Lockheed Martin vừa đồng ý chia sẻ các công nghệ tối mật về tiêm kích F-22 cho Nhật Bản, điều chứng minh sự tin tưởng của Washington vào Tokyo như một đối tác quốc phòng và nỗ lực nhằm cân bằng cán cân thương mại qua các sản phẩm quân sự đắt đỏ.

 Lockheed Martin đã đề nghị phát triển cho Nhật Bản loại tiêm kích thế hệ mới với tính năng ưu việt của cả F-22 và F-35.

Lockheed Martin đã đề nghị phát triển cho Nhật Bản loại tiêm kích thế hệ mới với tính năng ưu việt của cả F-22 và F-35.

Nó sẽ gia nhập quân đội Nhật Bản vào năm 2030, kịp thời gian thay thế phi đội F-2.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang có một chương trình phát triển máy bay riêng và đã đặt ra hạn mức cho chương trình này là khoảng 55 tỉ USD, trong đó bao gồm khoảng 13 tỉ USD dùng cho nghiên cứu và 13 tỉ khác để mua hơn 100 chiếc máy bay. Phần còn lại là dùng cho bảo dưỡng và các phụ phí liên quan.

Tokyo sẽ đưa ra quyết định trong năm nay về lời đề nghị của Lockheed Martin để chính phủ Nhật Bản lập ra kế hoạch quốc phòng trung hạn bắt đầu từ năm 2019.

Việc có công nghệ của F-22 được cho là vô cùng quan trọng với Nhật Bản.

Tokyo từng muốn mua một phi đội F-22 từ nhiều năm trước nhưng quốc hội Mỹ đã ngăn cản điều này do quan ngại nó sẽ hé lộ các công nghệ hiện đại ra nước ngoài. Đến nay F-22 đã không còn được sản xuất.

Thương mại dường như là một nhân tố khiến Washington thay đổi quan điểm. Tổng thống Trump được cho là sẽ nhận được nhiều tín nhiệm nếu có thể cắt giảm được thâm hụt thương mại đang ở mức 70 tỉ USD với Nhật Bản qua những hợp đồng mua bán vũ khí.

Ngoài ra, với kế hoạch tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong năm tới, chính phủ Mỹ cần tìm kiếm nguồn thu mới, nhất là thời điểm kì bầu cử quốc hội giữa nhiệm kì đang đến gần.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một quyết định khó khăn với Nhật Bản. Nước này từ lâu đã muốn phát triển một mẫu máy bay thế hệ mới tại nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Dự án phát triển máy bay riêng của Nhật Bản mới chỉ ở mức sơ khai và được cho là tốn kém không khác nào thỏa thuận với Lockheed Martin.

Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang căng thẳng lên theo thời gian với sự mở rộng ngày càng nhanh của quân đội Trung Quốc.

Do đó, việc Nhật Bản chấp nhận lời đề nghị của Lockheed Martin là điều nhiều khả năng sẽ xảy ra, tuy nhiên, nó có thể bao gồm một vài điều kiện nhằm cho phép các công ty nội địa được tham gia phát triển và sản xuất mẫu máy bay mới.

Đặng Vũ (Theo Nikkei)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-my-chia-se-cho-nhat-ban-cong-nghe-toi-mat-cua-tiem-kich-f22/766662.antd