Mỹ chỉ toan tính của Nga khi rút máy bay về nước

Ngay sau khi Nga tuyên bố đã rút 11 máy bay cùng đội ngũ kỹ thuật tại Syria về nước, Mỹ đã có những nhận định về quyết định của Moscow.

Theo Tạp chí The National Interest, dù đã có 11 máy bay được Nga rút về nước trong đợt đầu tiên nhưng đây là bước đi đầy toan tính của Nga bởi không phải loại máy bay nào cũng giảm số lượng.

Theo tạp chí Mỹ, Nga chỉ rút những cường kích Su-24/25 và có thể sẽ rút thêm trực thăng vận tải và giảm bớt trực thăng tấn công trong khi dàn tiêm kích tối tân với khả năng đánh chặn đỉnh cao không những được giữ nguyên mà Moscow còn âm thầm tăng số lượng. Vậy tại sao phi đội Su-30SM, Su-35 lại được Nga giữ nguyên tại Syria? Theo phân tích của Tạp chí Business Insider, sự hiện diện của những tiêm kích này rõ ràng mang dụng ý của Nga.

The National Interest dẫn tuyên bố của người đứng đầu Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu quân sự Không quân Nga, Thiếu tướng không quân Alexander Kharchevsky cho biết, dàn tiêm kích đánh chặn Nga sẽ giải quyết được những nhiệm vụ bất ngờ tại Syria. Vì vậy, việc Nga duy trì phi đội tiêm kích tại Syria không đơn thuần chỉ là hỗ trợ Damascus tái thiết đất nước.

Tạp chí Mỹ cho rằng, đây chính là lý do khiến Nga âm thầm tăng thêm tiêm kích đánh chặn đến Syria trước khi ông Putin tuyên bố rút bớt vũ khí và lực lượng về nước. Nguồn tin này cho biết, ngay trước khi thông báo rút 11 máy bay về nước, Nga đã âm thầm điều tới 12 chiếc Su-35 đến Syria. Trước có những động thái mới này, hồi đầu năm 2018, người ta đã thấy tiêm kích Su-27SM3 xuất hiện tại căn cứ Hmeymim.

Dù không có số lượng Su-27SM3 tại Hmeymim nhưng theo truyền thông Mỹ, rất có thể con số này là 12 chiếc - toàn bộ tiêm kích Su-27SM3 trong đơn đặt hàng cuối cùng của Nga bởi trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự tại Syria, những tiêm kích tối tân này đã được tin dùng.

Dù Nga không nói nguyên nhân tăng cường Su-35 và Su-27SM3 tại Syria nhưng theo nhận định của truyền thông phương Tây, rõ ràng đây là sự tăng cường sức mạnh không đối không cho Không quân Nga tại Syria. Theo số liệu tình báo Mỹ có được, hiện nay Nga đã triển khai khoảng 30 chiếc tiêm kích Su-35S và Su-30SM.

Nhận định này được xem là khá hợp lý bởi thay vì tăng cường cường kích, phi đội tiêm kích tối tân với vũ khí đối không cực mạnh đã được tăng cường tại Syria. Và với số lượng tiêm kích này, Không quân Nga có thể tiến hành chiến dịch đánh chặn với cường độ cao tại Syria bất cứ lúc nào.

Dụng ý của Nga tăng cường khả năng đánh chặn cho Không quân là khá rõ ràng bởi đồng thời với sự xuất hiện của những tiêm kích tối tân, người ta còn nhìn thấy sự xuất hiện của cả những tên lửa đánh chặn tối tân RVV-MD.

Mẫu RVV-MD mới được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không trong mọi điều kiện tác chiến, cho phép tiêu diệt các mục tiêu trên không khác nhau bất cứ lúc nào và ở bất cứ hướng nào. Ngoài ra, theo các nhà phát triển, nó có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất, bảo vệ cơ sở quân sự chống lại tấn công từ đối phương.

Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi Không quân Nga đã được trang bị loạt tên lửa tầm ngắn RVV-MD, giúp tăng cường khả năng tác chiến của tiêm kích khi cận chiến và chúng đã được Nga điều thẳng đến Syria - một quyết định không quá khó hiểu của Nga vào lúc này. Ảnh trong bài: Tiêm kích Su-35 tại Syria. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-chi-toan-tinh-cua-nga-khi-rut-may-bay-ve-nuoc-3360604/