Mỹ chỉ có 5 tỷ phú ngân hàng, 2 người mới xuất hiện

Mỹ có gần 600 tỷ phú nhưng một trong những ngành phát triển nhất - ngân hàng - chỉ đóng góp 5 cái tên, trong đó có 2 'tân binh'.

Ngoài 3 CEO kỳ cựu: Jamie Dimon của JPMorgan Chase, Lloyd Blankfein của Goldman Sachs và Bob Wilmers của M&T Bancorp, ngành này mới đón thêm 2 tỷ phú trong năm nay.

Hai tỷ phú ngân hàng mới là CEO Richard Fairbank của Capital One Financial và Ken Moelis của Moelis & Co. lần lượt gia nhập câu lạc bộ "9 số 0" vào tháng 1 và tháng 4, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.

Điểm chung thứ nhất của 2 nhân vật này là rất kín tiếng, người ngoài ngành có lẽ chưa bao giờ biết đến. Điểm chung thứ hai: họ đều là những tên tuổi kỳ cựu của phố Wall.

Richard Fairbank - người thay đổi ngành thẻ tín dụng Mỹ

Capital One là nhà phát hành thẻ tín dụng lớn thứ 3 của Mỹ. Cổ phiếu hãng tăng hơn 2.200% kể từ đợt IPO (chào bán lần đầu ra công chúng) vào năm 1994, cao hơn nhiều so với mức 650% của chỉ số S&P 500 ngành tài chính. Không nhiều người biết đến nhưng Fairbank chính là người thiết kế lại mô hình tín dụng và cách mạng hóa ngành ngân hàng trong những năm 1990.

Năm 1987, ông và đối tác Nigel Morris đưa ra một ý tưởng thay đổi vĩnh viễn cách thức phát hành thẻ. Khi hầu hết tổ chức trung thành với một vài loại thẻ truyền thống và tạo doanh thu bằng cách đơn giản nhất - tính phí rút tiền từ thẻ, bộ đôi muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách thiết kế thẻ phù hợp với từng đối tượng. Fairbank và Morris tin rằng mỗi khách hàng có nhu cầu khác nhau và những loại thẻ thông thường không thực sự đáp ứng nhu cầu.

Richard Fairbank. (Nguồn: Money Inc)

Trong một năm rưỡi, bộ đôi cố gắng bán chương trình tiếp thị mục tiêu cho các ngân hàng truyền thống nhưng không thành công. Đến năm 1988, ngân hàng Signet ở trung tâm bang Virginia đồng ý để Fairbank và Morris quản lý các tài khoản thẻ tín dụng và thử áp dụng cách làm mới.

Nhờ mô hình của 2 người và cơ sở dữ liệu khổng lồ, Signet có thể cung cấp khoảng 300 loại thỏa thuận thẻ cho khách hàng, điều chỉnh các điều khoản và lãi suất cho phù hợp với sở thích và yêu cầu của từng cá nhân. Ngoài ra, bộ đôi nghĩ ra chiến lược cung cấp mức lãi suất giới thiệu thấp và quyền chuyển số dư từ thẻ này sang thẻ khác với lãi suất thấp hơn, thậm chí là 0%.

Mảng kinh doanh thẻ tín dụng của Signet tăng gấp đôi quy mô trong năm 1992, năm đầu sử dụng các mô hình tài chính mới của Fairbank và Morris. Fairbank trở thành người đứng đầu bộ phận này vào năm 1993.

Bộ phận của Fairbank và Morris tách thành công ty con từ Signet vào năm 1994, lấy tên Capital One. Một năm sau đó, hãng vượt qua công ty mẹ trong mảng kinh doanh và dịch vụ. Chuyển thành công ty độc lập vào năm 1995, Capital One nhanh chóng vào nhóm 10 công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu tại Mỹ. Lợi nhuận phải thu trong năm đó là 8,9 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước.

Chỉ trong 8 năm đầu, công ty mở 48,6 triệu tài khoản trị giá tổng cộng 53,2 tỷ USD. Công ty hiện là ngân hàng thương mại lớn thứ 7 trong nước, tính theo tài sản.

Ken Moelis - nhà thương thuyết quyền lực

Có lẽ không ai hiểu những thăng trầm của ngân hàng độc lập hơn Ken Moelis. Khởi nghiệp từ những năm 1980, ông lần lượt phục vụ cho mọi khách hàng cao cấp của Mỹ, thậm chí cả đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (khi ông còn là một doanh nhân).

Ken Moelis. (Nguồn: AFR)

Tốt nghiệp đại học năm 1981, Moelis nộp đơn vào Morgan Stanley nhưng bị từ chối. Sau đó, ông vào Drexel Burnham Lambert, một ngân hàng hạng 2 chuyên kinh doanh trái phiếu "rác", một công cụ sinh lời nhiều vì đầu tư vào những công ty rủi ro.

Nhà ngân hàng trẻ bị ép làm việc với những doanh nhân "sừng sỏ" và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với kỹ năng tư vấn tài chính và sáp nhập trong thập niên 90. Tuy nhiên, Drexel phá sản vào năm 1990 vì phạm 6 tội lớn liên quan đến những giao dịch bất hợp pháp và phải nộp phạt 650 triệu USD. Cấp trên của Moelis, "Vua trái phiếu rác" Michael Milken, vào tù và ông mất việc.

Tiếp đó, Moelis gia nhập Donaldson Lufkin & Jenrette (DLJ) và lãnh đạo mảng ngân hàng đầu tư tài chính doanh nghiệp. Dưới thời Moelis, DLJ nổi lên như một ngân hàng đầu tư nổi tiếng ở Los Angeles. Ông chuyển sang UBS trong năm 2000 và trở thành giám đốc mảng ngân hàng đầu tư 5 năm sau đó. Ông giúp ngân hàng Thụy Sĩ tăng gần gấp 3 cổ phần trong các thương vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp Mỹ.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007, Moelis quyết định tự thành lập ngân hàng riêng với tên Moelis & Co. vì không đồng tình với bộ máy quan liêu và quá thận trọng của UBS. Moelis & Co. đạt doanh thu cao nhất lịch sử trong quý đầu tiên năm 2018, đẩy cổ phiếu lên mức kỷ lục. Lượng giao dịch năm ngoái của ngân hàng trị giá 85 tỷ USD, tăng 30 tỷ USD so với năm 2016.

Moelis thường bắt đầu làm việc từ 5h sáng và sẵn sàng lên máy bay đi gặp khách hàng trên toàn thế giới chỉ sau một câu hẹn. Bữa tối của ông thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc nói chuyện hàng giờ liên quan đến công việc. Nhờ thói quen gọi thêm một cuộc vào cuối mỗi ngày làm việc, ông mang về hàng trăm khách hàng tiềm năng một năm, một đồng nghiệp cũ nhớ lại.

Kể từ khi niêm yết ngân hàng cách đây 4 năm, vị tỷ phú chỉ giữ lại 10% cổ phần nhưng kiếm được ngang những lãnh đạo quỹ đầu tư. Ông hiện có tài sản tương đương Dimon, mặc dù công ty chỉ bằng 1/100 JPMorgan Chase, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Năm ngoái, Moelis & Company được chọn tư vấn tập đoàn viễn thông Broadcom trong thương vụ mua lại Qualcomm trị giá 117 tỷ USD.

Lâm Ngọc/Tổng hợp

Nguồn NDH: http://ndh.vn/my-chi-co-5-ty-phu-ngan-hang-2-nguoi-moi-xuat-hien-20180601021651181p6c5.news