Mỹ chi 2,9 tỉ USD phát triển vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa

Mỹ chi 2,9 tỉ USD cho tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin phát triển 3 vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa trong hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR.

Theo thông báo của Không quân Mỹ ngày 15-8, Mỹ vừa ký với tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) hợp đồng phát triển 3 vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa trong hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR, trị giá 2,9 tỉ USD.

Hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR sẽ có tất cả 5 vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa. Theo thông tin từ Không quân Mỹ từ tháng 5 thì ngoài 3 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh Lockheed Martin đã thầu, 2 vệ tinh quỹ đạo địa cực sẽ giao cho tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman sản xuất, theo Space News. Tuy nhiên hợp đồng với Northrop Grumman chưa được thông báo chính thức.

Lockheed Martin - tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ vừa nhận thầu phát triển 3 vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa trong hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR. Ảnh: ASTROMAN

Lockheed Martin - tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ vừa nhận thầu phát triển 3 vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa trong hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR. Ảnh: ASTROMAN

Hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR sẽ thay thế hệ thống cảnh báo SBIRS đã được sử dụng từ năm 2006. Vệ tinh quỹ đạo vệ tĩnh đầu tiên trong hệ thống cảnh báo sớm Next Gen OPIR sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2023 – sớm 2 năm so với dự kiến ban đầu, và vệ tinh quỹ đạo địa cực đầu tiên sẽ hoạt động vào năm 2017. Toàn bộ hệ thống sẽ hoạt động vào năm 2029, theo Space News.

“Trong quá trình phát triển các hệ thống mới này, chuyện tốc độ là quan trọng. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển được một năng lực cảnh báo tên lửa có thể hoạt động hiệu quả được trong điều kiện môi trường cạnh tranh vào giữa thập niên 2020” – Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson từng tuyên bố về dự án này.

Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ Samuel Greaves phác thảo về thế hệ mới của các hệ thống dò tìm và phòng thủ tên lửa tại hội nghị chuyên đề Phòng thủ Không gian và Tên lửa tại Mỹ ngày 8-8. Và theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, Tướng John Hyten tại hội nghị chuyên đề này thì “điểm quan trọng nhất với tên lửa phòng thủ là đảm bảo có thể nhận ra và xác định được tính chất của đe dọa”.

Một vệ tinh của hệ thống cảnh báo SBIRS. Ảnh: WIKIPEDIA

Nói với Business Insider ngày 15-8, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa Thomas Karako tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ) cho rằng các vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa này sẽ hỗ trợ năng lực phòng thủ hạt nhân của Mỹ.

Theo Sputnik, Mỹ đẩy nhanh phát triển hệ thống dò tìm và cảnh báo tên lửa từ đầu năm nay, sau khi Nga thử tên lửa siêu thanh Kinzhal – có khả năng chống lại tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tuần dương.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: AVIATIONIST

Luật Cấp phép Quốc phòng 2019 – ngân sách quốc phòng Mỹ tài khóa tới – mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thông qua đầu tuần này ưu tiên phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/my-chi-29-ti-usd-phat-trien-ve-tinh-canh-bao-som-ten-lua-788102.html