Mỹ chèn ép mạnh Trung Quốc về quân sự và khoa học công nghệ

Mỹ áp đặt cấm vận các công ty điện tử Trung Quốc đang gây thiệt hại cho kinh doanh của các công ty này.

Trong tháng 5/2019, diễn ra nhiều động thái quân sự của đồng minh do Mỹ dẫn dắt nhằm nâng cao năng lực đối phó với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục ngăn chặn các công ty công nghệ cao của Trung Quốc, tác động đến các đơn đặt hàng và làm cho cổ phiếu của một số công ty điện tử Trung Quốc giảm mạnh.

Tập trận hải quân ở khu vực Ấn – Thái

Nửa cuối tháng 5, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã tiến hành tập trận "Đội Tiên phong Thái Bình Dương" gần đảo Guam, với sự tham gia hơn 3.000 lính hải quân và 6 tàu hải quân. Tập trận tập trung vào các hoạt động bắn đạn thật, phòng không, chống ngầm và cung cấp hậu cần trên biển.

Cuộc tập trận chung này được cho là sự phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh ở châu Á để đối phó sự bành trướng hải quân của Trung Quốc trong khu vực, "dựa trên lợi ích và giá trị chung", như một tuyên bố của Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nêu rõ.

Tàu chở trực thăng lớp Mistral của Pháp dẫn đầu cuộc tập đổ bộ của hải quân đồng minh tại khu vực gần đảo Guam.

Tàu chở trực thăng lớp Mistral của Pháp dẫn đầu cuộc tập đổ bộ của hải quân đồng minh tại khu vực gần đảo Guam.

Ngoài ra, các tàu chiến của Mỹ đã thực hiện các cuộc tập trận với các tàu chiến của Pháp, Nhật Bản và Australia ở Vịnh Bengal. Mỹ còn tổ chức các cuộc tập trận riêng với một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, cùng các tàu chiến của Ấn Độ và Philippines ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Thường xuyên cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan: Ngày 22/5, hai tàu chiến Mỹ từ vùng biển Tây Nam Đài Loan đã đi qua eo biển Đài Loan theo hướng từ Nam lên Bắc. Đây là lần thứ 5 trong năm 2019, cũng là lần thứ 8 kể từ tháng 7/2018, tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Người Phát ngôn hạm đội 7 của Mỹ nhấn mạnh hành động trên nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Ấn-Thái) tự do và rộng mở; Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Điều gây lo ngại cho Bắc Kinh chính là, hành động này của Mỹ là nhằm bình thường hóa sự xuất hiện của chiến hạm Mỹ trên vùng biển Đài Loan, đáp trả việc Trung Quốc gây sức ép với Đài Loan, đồng thời tạo cộng hưởng giữa vấn đề Biển Đông và Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc.

Chèn ép Hoa Vi và 5 công ty điện tử khác

Ngày 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn CNBC đã cáo buộc Hoa Vi nói dối người Mỹ và thế giới về vai trò do thám của công ty này cho chính phủ Trung Quốc. Ông này nói: "Hoa Vi nói họ không làm việc cho Chính phủ Trung Quốc là sai, một tuyên bố sai hoàn toàn. Người sáng lập Hoa Vi Nhậm Chính Phi đã không nói sự thật với người Mỹ và thế giới". Cùng ngày, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết: "Nếu nhìn từ góc độ an ninh hay quân sự, bạn có thể thấy rằng những gì mà Hoa Vi đang thực hiện rất nguy hiểm. Nếu chúng ta đang đàm phán về một thỏa thuận, tôi cho rằng Hoa Vi có thể được đưa vào một phần nào đó của thỏa thuận".

Ngày 22/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, ít nhất một tháng nữa Mỹ mới thực thi thuế quan đối với 300 tỷ USD trị giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong lúc đang nghiên cứu tác động lên người tiêu dùng. Ông Mnuchin nói: "Sẽ không có bất kỳ quyết định nào trong từ 30 đến 45 ngày tới". Bộ trưởng Mnuchin nói thêm: "Tôi vẫn hy vọng chúng ta có thể trở lại bàn thương thảo. Hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau vào cuối tháng 6" và cho biết thêm rằng ảnh hưởng của thuế quan đối với người tiêu dùng Mỹ là yếu tố chính để cân nhắc trong sách lược thương mại của Mỹ.

Theo Bloomberg, New York Times và Reuters, sau khi đưa Hoa Vi vào danh sách đen, các mục tiêu sắp tới của chính quyền Donald Trump có thể là 5 công ty Trung Quốc sản xuất camera giám sát, đặc biệt là Hikvision chuyên về công nghệ nhận diện, được sử dụng rộng rãi ở Tân Cương. Theo Bloomberg, bên cạnh hai nhà sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất thế giới là Hikvision và Dahua Technology, danh sách đen của Mỹ có thể gồm cả Yitu Technology (Y Đồ), cùng với SenseTime Group Ltd. (Thương Thang) và Megvii (Khoáng Thị), công ty mẹ của Face++ chuyên về phần mềm xử lý hình ảnh. Hikvision trong một thông cáo bày tỏ "hy vọng sẽ được đối xử công bằng". Bốn công ty công nghệ Trung Quốc còn lại không trả lời hãng tin Mỹ.

Những nguồn thạo tin cho Bloomberg hay, chính quyền Mỹ lo ngại Hikvision và Dahua Technology (Đại Hoa), với các camera có công nghệ nhận diện được sử dụng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có thể phục vụ cho gián điệp. Trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến, cổ phiếu của Hikvision và Dahua đã giảm mạnh.

Trong khi đó, một số công ty Âu, Á đã dừng đặt hàng điện thoại mới của Hoa Vi, trong đó có 3 nhà mạng Vodafone, EE, ARM của Anh và hãng Panasonic của Nhật Bản. Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản vừa khẳng định sẽ xem xét danh mục các sản phẩm để xác định liệu có thiết bị không phù hợp yêu cầu theo đề nghị của phía Mỹ. Tuy nhiên, Toshiba khẳng định sẽ chưa ngừng hợp tác với Hoa Vi. Mỹ cũng đang gây sức ép với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc để thuyết phục các doanh nghiệp Hàn Quốc như Sam Sung, LG tẩy chay sản phẩm của Hoa Vi nhằm ngăn chặn việc thiết bị điện tử của Hoa Vi tiếp tục mở rộng phát triển tại khu vực Đông Á./.

(Theo các báo nước ngoài)

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-chen-ep-manh-trung-quoc-ve-quan-su-va-khoa-hoc-cong-nghe-20190604143703921.htm