Mỹ chế tạo 'HIMARS robot hóa' sau thành công tại chiến trường Ukraine

Từ kết quả thực chiến ấn tượng tại Ukraine, Mỹ sẽ cho ra mắt phiên bản 'HIMARS robot hóa' nhằm nâng cao hiệu quả của tổ hợp vũ khí này.

Hệ thống "HIMARS robot hóa" theo giới thiệu sẽ có khả năng hoạt động mà không cần kíp lái, ngoài ra nó được trang bị tới 12 tên lửa thay vì chỉ 6 quả như hiện nay.

Hệ thống "HIMARS robot hóa" theo giới thiệu sẽ có khả năng hoạt động mà không cần kíp lái, ngoài ra nó được trang bị tới 12 tên lửa thay vì chỉ 6 quả như hiện nay.

Việc phát triển một bệ phóng tự động AML (Autonomous Multi-Domain Launcher) là một sửa đổi của tổ hợp HIMARS, được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công nghệ Tiên tiến thuộc Quân đội Mỹ.

Công ty này thông báo, họ đang phát triển cả phần cứng và phần mềm, cho phép tổ hợp tên lửa pháo binh cơ động cao này có lựa chọn hoạt động theo hai chế độ, cả thông qua điều khiển từ xa lẫn tự hành hoàn toàn.

Không giống như các phương tiện dân dụng không người lái khi trong cabin vẫn có một người, một phương tiện chiến đấu tự hành phải thực hiện các thao tác phức tạp, trong một môi trường đầy nguy hiểm ở chế độ gần như tự động.

Các kỹ sư phát triển robot AML phải giải quyết các vấn đề vượt qua địa hình gồ ghề không quen thuộc, tránh chướng ngại vật, tương tác với bộ binh và các thiết bị khác dưới sự đe dọa của hỏa lực đối phương.

Tất cả các nhiệm vụ này đối với AML tự hành không chỉ được giải quyết thông qua tương tác với các thiết bị bay không người lái chọn đường đi, mà còn dựa vào việc nó được lắp đặt một số lượng lớn các cảm biến. Hơn nữa, các cảm biến trên AML "phải thụ động nhất có thể".

Như giám đốc dự án AML - ông Lucas Hunter đã nhận xét một cách hùng hồn: “Chúng tôi cần các cảm biến thu thập dữ liệu nhận thức tình huống mà không phát ra năng lượng có thể phát hiện được như ánh sáng hoặc âm thanh”.

Hiện tại, nguyên mẫu của hệ thống mới trông giống như M142 HIMARS tiêu chuẩn đặt trên khung gầm xe tải việt dã FMTV M1140 với cabin bọc thép và bệ phóng gồm 6 tên lửa, được trang bị thêm ăng ten và cảm biến.

Tuy nhiên cấu hình AML mục tiêu sẽ khác, khung gầm sẽ không có buồng lái và dự kiến nhận được một giàn phóng mới, kích thước lớn hơn với 12 tên lửa dẫn đường, tức là cơ số đạn tương đương với M270 MLRS.

Do không có buồng lái, hệ thống sẽ nhận được hỏa lực không chỉ gấp đôi mà còn có khả năng phóng tên lửa ở khoảng cách xa hơn nhiều. Ngoài ra các hệ thống HIMARS được robot hóa đòi hỏi ít nhân viên phục vụ hơn.

Vấn đề liên quan đến việc thu hút các ứng viên mới phục vụ trong Quân đội Mỹ. Lý tưởng nhất là một kỹ thuật viên có thể đảm bảo cho toàn bộ một trung đội hoặc một khẩu đội HIMARS không người lái.

Các cuộc thử nghiệm khái niệm AML HIMARS trang bị tên lửa PrSM theo thông báo đã được tiến hành tại Fort Sill, Oklahoma. Bài kiểm tra được giám sát bởi Trung tâm Kiểm soát Vũ khí cho các phương tiện mặt đất của Lục quân Mỹ.

Vì lý do nào đó, báo chí đã không được biết về kết quả lần bắn thử nghiệm. Có thể mọi thứ diễn ra không mấy suôn sẻ, bởi nếu trường hợp ngược lại xảy ra thì người Mỹ chắc chắn sẽ kể về những thành công.

Nhưng với tiềm lực khoa học công nghệ và tài chính hùng hậu của mình, dự đoán việc Mỹ hoàn thành tổ hợp HIMARS robot hóa sẽ diễn ra trong tương lai không xa.

Khi đó đối thủ của Mỹ sẽ phải đứng trước một thứ vũ khí vô cùng đáng sợ, không loại trừ khả năng quân Nga chính là đối tượng đầu tiên phải chiến đấu với nó.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-che-tao-himars-robot-hoa-sau-thanh-cong-tai-chien-truong-ukraine-post514315.antd