Mỹ chế giễu kỷ lục mới của Tu-160... chưa bằng một nửa B-52

Mặc dù Nga cho rằng máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của mình vừa thiết lập kỷ lục thế giới về tầm bay và thời gian hoạt động liên tục trên không trung, nhưng theo phía Mỹ thì thành tích trên của 'Thiên nga trắng' còn quá khiêm tốn.

Mới đây Tư lệnh hàng không tầm xa của Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga, Trung tướng Sergei Kobylash đã tuyên bố rằng máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 của họ vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới.

Cụ thể Trung tướng Kobylash tuyên bố: “Hôm nay, hai phi hành đoàn hàng không tầm xa đã lập kỷ lục mới về tầm bay và thời gian hoạt động trên máy bay ném bom chiến lược siêu thanh mang tên lửa hành trình Tu-160”.

Theo ông Kobylash, các phi công đã bay liền mạch hơn 20.000 km và ở trên không trong hơn 25 giờ. Vượt trội so với tất cả mọi đối thủ cạnh tranh hiện tại và trong quá khứ.

Thông số trên được cho là hợp lý, bởi mặc dù có vận tốc tối đa 2.220 km/h nhưng thực chất tốc độ hành trình của Tu-160 chỉ là 960 km/h, do vậy tương ứng với quãng đường và thời gian hoạt động nói trên.

Giới chức quân sự Nga tự hào cho rằng đây là thông điệp đanh thép, thể hiện năng lực tác chiến vượt trội của không quân Nga, giúp họ có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.

Tuy nhiên trong khi người Nga chưa hết hân hoan thì Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ đã công bố số liệu thống kê cho thấy chiếc Tu-160 của Nga chưa thể phá kỷ lục của 3 máy bay ném bom chiến lược Mỹ.

Cụ thể là vào năm 2014, máy bay ném bom siêu âm B-1B Lancer đã bay liền mạch trong 30 giờ, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit vào năm 2001 còn bay trên không trong 44 giờ.

Chiếc oanh tạc cơ chiến lược cũ nhất của Mỹ là B-52 thậm chí còn trở thành người giữ kỷ lục tuyệt đối, xác lập thành tích về chuyến bay thẳng vào năm 1957 khi đã ở trên không trong 45 giờ.

Bên cạnh đó, phía Mỹ còn chế giễu việc để đạt được tầm bay như trên, không quân Nga đã phải huy động tới 6 chiếc máy bay tiếp dầu Il-78 đi theo để tiếp nhiên liệu cho Tu-160 tổng cộng 3 lần.

Trong tình huống chiến tranh, biên đội cồng kềnh như trên sẽ trở thành mục tiêu quá dễ bị nhận diện và hầu như không còn cơ hội sống sót trước phòng không đối phương, nhất là khi Tu-160 không có khả năng tàng hình.

So sánh về tầm bay không tiếp nhiên liệu, Tu-160 nhỉnh hơn một chút so với B-1B Lancer và B-2A Spirit khi đạt tới con số 12.600 km so với 9.400 km và 10.600 km, nhưng kích thước của Thiên nga trắng lại lớn hơn nhiều.

Trong khi đó đặt cạnh chiếc B-52, khi cùng hành trình ở vận tốc xấp xỉ 1.000 km/h, tầm hoạt động của B-52H lên tới 15.000 km khi không tiếp nhiên liệu, tức là vượt trội Tu-160.

Các chuyên gia quân sự Mỹ bình luận rằng trước thực tế trên, Bộ Quốc phòng Nga và những chỉ huy tác chiến của Moskva cần "khiêm tốn" hơn và biết nhìn thẳng vào thực tế.

Bên cạnh đó, xét về kinh nghiệm tác chiến với máy bay ném bom chiến lược tầm xa thì vẫn không có lực lượng nào trên thế giới so sánh được với không quân Mỹ.

Còn tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bình luận chính thức nào từ Bộ Quốc phòng Nga về các số liệu và tuyên bố nói trên của người Mỹ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-my-che-gieu-ky-luc-moi-cua-tu-160-chua-bang-mot-nua-b-52-post445203.antd